Với diện tích mặt biển rộng, hệ thống sông suối nhiều nên Quảng Ninh có tín ngưỡng dân gian thờ thuỷ thần tương đối đặc sắc.
Quảng Ninh có hệ thống sông lớn tập trung ở phía Tây, phía Đông Nam là bờ biển, phía Tây Bắc của tỉnh là vùng miền núi với sông nhỏ ngắn dốc, nơi cư trú của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Do đặc điểm như vậy, đa số những vị thành hoàng làng là thủy thần được thờ tập trung ở khu vực ven sông Bạch Đằng, tức là vùng đất Quảng Yên và Đông Triều.
Phong tục thờ thần Linh Lang gặp ở 4 tổng thuộc Đông Triều xưa với tổng số khoảng 13 di tích ở đầu nhánh sông Đá Bạch. Thần chủ của đền thường là Linh Lang Đại vương thời Hùng Vương, chính phái họ Hồng Bàng, là tông thứ 2 của Bách Việt. Tuy nhiên, số di tích thờ thần Quý Minh Đại vương lại nhiều hơn Linh Lang với 25 nơi. Phần lớn ở đây không có thần tích về Quý Minh, mà thường là gắn với thần Cao Sơn thời Tản Viên Sơn Thánh đánh Thục.
Ví dụ như, tại tổng Cẩm Phả có làng Giáp Khẩu thờ Quý Minh Đại vương tôn thần. Trong khi đó, thôn Thái Bình thuộc xã Cẩm Phả phối thờ Trung thiên long mẫu, Tam giang thuỷ khẩu Bả Ải đại vương, Tuần Hải đại vương chi thần, thôn Phú Bình xã Cẩm Phả phối thờ Long Mẫu thượng đẳng thần, Tuần Hải đại vương chi thần. Đình My Sơn ven sông Hà Cối (huyện Hải Hà) thờ thành hoàng Vạn Cảnh canh giữ các cửa sông và Quý Minh Đại vương tôn thần.
Quanh khu di tích núi Mằn (TP Hạ Long) có miếu thờ 3 vị thần rắn là ông Dài, ông Loang, ông Cộc. Theo truyền thuyết, 3 ông rắn ở đây là 3 vị thuỷ thần đã hy sinh thân mình che chở nhân dân. Miếu thờ của 3 vị thần rắn đều nằm ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú: Ông Cộc đồng Hang (khu vực thác Nhòng, phường Hoành Bồ), ông Loang đồng Cài (thôn Cài, xã Đồng Lâm), ông Dài Đá Trắng (thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất) đều thuộc TP Hạ Long. Các công trình tâm linh dưới chân núi Mằn còn phối thờ Quý Minh đại vương, Long Hải sơn thần, Đệ nhị Long vương, Tam vị Long vương, Long mẫu tôn thần (vị thần cai quản vùng sông nước).
Di tích thờ các vị thần biển tại Quảng Ninh tập trung ở vùng cửa sông Bạch Đằng, Vịnh Hạ Long. Trong số đó chiếm phần đáng kể là sự tích Nam Hải hay Đại Hải Phạm, là tướng Phạm Tử Nghi thời nhà Mạc. Đền Bà Men trên Vịnh Hạ Long thờ Đức Chúa Bà với lễ hội mang nhiều đặc trưng tín ngưỡng thờ thần của ngư dân Quảng Ninh mưu sinh trên biển. Thôn Tràng Y, xã Đại Điền tổng Hà Môn (nay là xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) phối thờ Cửa Hải Cửa Hà hà bá Long vương chính thần đại đế, Đức vua Cửa Hải Khánh Thiện Đại vương. Tại Móng Cái xưa, có làng Quất Đông tổng Hà Môn thờ Thuỷ tiên Long vương tôn thần, làng Bình Ngọc và làng Trà Cổ thuộc tổng Ninh Hải đều thờ Ngọc Sơn trấn hải tôn thần, làng Ninh Dương tổng Vạn Ninh thờ Đông Hải Đại vương Trần Quốc Tảng tôn thần.
Trong số các thần thủy, ở TP Đông Triều và huyện Đầm Hà có thờ Hà Bá, một số nơi thờ các thần Hải Tề, Hải Khẩu, Thủy Chung, Thủy phủ Diêm Vương, Long Cung. Đặc biệt, ở Hang Son (TP Uông Bí) có thờ thần Bát Hải với sự tích là một thủy thần đầu thai làm học trò, giúp cầu mưa giải hạn.
Tại Quảng Ninh có một số nơi có thờ thánh mẫu mà có hiện thân thường gắn với các vị tướng nhà Trần (hiển linh phù giúp) trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông ở cửa sông Bạch Đằng. Đó là Vua Bà hóa thành bà bán nước, mách kế mai phục giặc trên sông cho Trần Hưng Đạo ở Yên Giang. Đền Cặp Tiên (huyện Vân Đồn) thờ Cô bé Cửa Suốt được cho là con gái Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng.
Đình Phong Cốc (TX Quảng Yên) và đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn) thờ thành hoàng là Tứ vị thánh nương. Cũng tại Quan Lạn, có đền thờ Tam toà thánh mẫu, trong đó có mẫu thoải phủ. Miếu Bến Dưới ở thôn Vị Dương, xã Liên Vị và đền mẫu ở thôn La Khê, xã Tiền An cũng thờ mẫu Liễu Hạnh, mẫu Thoải và mẫu Thượng Ngàn. Đền Thiên Hậu thánh mẫu ở Trà Cổ (TP Móng Cái) thờ một tượng nữ thần từ biển trôi vào. Đền Cái Lân (TP Hạ Long) thờ Mẫu thoải phủ (còn gọi là mẫu Đệ tam hay bà chúa Thoải phủ) con gái vua Bát Hải Long vương Thuỷ quốc Động Đình.
Một điểm đáng chú ý nữa là di tích đền thờ Trung Thiên Long Mẫu trong cụm di tích đền Cửa Ông ở TP Cẩm Phả. Một số nơi thần chủ là nhân thần nhưng đều được coi là hiện thân của thánh mẫu. Người mẹ của 3 ông thần rắn vừa kể bên trên là người trần vốn mang họ Hoàng nhưng được coi là hiện thân của mẫu Thoải phủ (mẫu thuỷ) được thờ ở ngôi đền dưới chân núi Mằn.
Nhìn chung, tục thờ thuỷ thần liên quan chặt chẽ đến hình tượng mẫu thuỷ, một trong những vị thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt. Đồng thời, cũng liên quan đến quy luật tự nhiên của những con sông và xuất phát từ nền canh tác nông nghiệp với văn minh lúa nước. Tục thờ thuỷ thần đã làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc Quảng Ninh.