Đã thành truyền thống, từ những ngày tháng Chạp cho đến dịp mùng 4 tháng Giêng hằng năm, khắp đảo Hà Nam lại náo nức, tưng bừng, không khí sôi động của các dòng họ làm lễ “Chạp Tổ” và “Ra cỗ họ”. Nét đẹp văn hoá hiếm có này đã được người dân nơi đây trao truyền, gìn giữ hàng trăm năm nay với niềm tự hào to lớn về truyền thống dòng tộc, quê hương.
Những ngày đầu tháng Chạp, theo chân nhà văn Dương Phượng Toại ở xã Cẩm La, TX Quảng Yên – một người có niềm đam mê sưu tầm và nghiên cứu văn hóa truyền thống vùng đảo Hà Nam – chúng tôi đến thăm các nhà thờ dòng họ Tiên công tiêu biểu với những nét văn hóa đặc trưng được lưu giữ lâu đời. Tết đến sớm hơn với nơi này khi từ các ngả đường làng, xóm ngõ đến các nhà thờ dòng họ, đâu đâu cũng thấy rộn ràng. Người thì tất tả sắm sửa lễ vật, người thì chuẩn bị cỗ bàn, giã bánh giầy, gói bánh gio…
Đón chúng tôi tại nhà thờ họ Ngô, ông Ngô Minh Tâm, người từng làm Chủ tịch Hội đồng gia tộc, Trưởng Ban tổ chức của dòng họ trong nhiều năm, phấn khởi giới thiệu về nét đẹp của dòng họ và quê hương. Theo lời ông Tâm, kể từ khi các Tiên Công về mảnh đất Hà Nam quai đê, lấn biển, lập làng, đến nay họ Ngô đã đến đời thứ 23. Dù trải qua rất nhiều đời với những thăng trầm của lịch sử nhưng cứ đến ngày làm lễ “Chạp Tổ” và “Ra cỗ họ” đầu năm là nhà thờ của dòng họ Ngô (nơi thờ thủy tổ Ngô Bách Đoan và các thế tổ) vẫn luôn là nơi con cháu trong họ cùng nhau trở về để truy ơn tổ tiên, báo cáo với dòng họ những việc tốt, thành tích đã đạt được trong học tập, lao động.
“Từ cuối tháng 11 sang tháng Chạp, dòng họ chúng tôi và các họ khác… đều trong không khí tưng bừng. Một số người được phân công trang trí, khánh tiết nhà thờ họ, lên mộ dọn dẹp. Còn tại các gia đình, đã thành truyền thống, tất cả các thành viên đều tích cực chuẩn bị, sắp xếp lễ, cỗ bàn sao cho vừa ý nhất để dâng tổ tiên, thể hiện lòng thành với thế hệ trước của dòng họ” – ông Ngô Minh Tâm cho hay.
Chia sẻ về phong tục này, nhà văn Dương Phượng Toại cho biết, cứ tới ngày mùng 2 tháng Chạp là các dòng họ tổ chức tục “Chạp Tổ” với nghi thức tế lễ trọng thể. Sở dĩ có hoạt động này vì ở vùng Hà Nam, các gia đình sau 5 đời sẽ không làm giỗ riêng cho các cụ đã mất, mà đưa lên nhà thờ họ để dâng hương, thành lễ giỗ chung. Do đó, ngày này được ấn định thành “giỗ Tổ họ” cúng các vị Thủy Tổ, Thế Tổ trên từ đường dòng họ. Cũng trong ngày “Chạp Tổ”, hội đồng dòng họ sẽ tổng kết hoạt động, báo cáo một năm làm ăn của con cháu trong họ, công bố việc chi tiêu và rà soát lại sổ đinh xem ai đã mất, dòng họ có thêm người nào, để ghi tiếp vào gia phả.
Ra Giêng, vào ngày mùng 4 Tết, cả họ lại tổ chức lễ “Ra cỗ họ” còn gọi là “Lễ tế Tổ” đầu năm với nhiều hoạt động như: Nghi lễ cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an, mong Tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mưa gió thuận hoà, mùa màng tốt tươi, làm ăn, học tập, công tác có nhiều thành công… Những người đứng đầu dòng họ cũng đưa ra phương hướng, trách nhiệm của năm mới để con cháu trong họ thực hiện. Trong ngày này cũng diễn ra lễ mừng thọ các bậc cao tuổi. Các gia đình sẽ đưa các cụ thượng từ 80 tuổi trở lên cùng lễ vật đến từ đường họ nội và họ ngoại để kính cáo với Tiên Công, Tổ tiên đã ban phúc lành cho cụ thượng được lên chiếu thọ, kính báo cho hội đồng gia tộc năm nay cụ được thượng thọ và mời hội đồng gia tộc đến nhà dự lễ mừng thọ, sau là cho con cháu hiểu nơi cội nguồn Tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Trước kia, cũng từ những ngày lễ Tổ, nam giới từ 18 tuổi được chính thức công nhận là trai đinh, thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ đóng góp xây dựng dòng họ “đóng góp suất đinh” vào họ đến tuổi 60. Khi 60 tuổi ra họ làm lễ “Lên lão”, 70 tuổi làm lễ “Kỳ lão”, 80 tuổi làm lễ “Thượng thọ”, 90 tuổi hay 100 tuổi sẽ làm lễ “Đại thọ”, được cả họ chúc mừng tại nhà thờ họ và tại gia đình.
Điểm chung trong nghi lễ dâng cúng tại từ đường nhà thờ họ là bài văn tế bao giờ cũng nhắc đến việc ghi nhớ cội nguồn các vị Tiên Công từ kinh thành Thăng Long, giữa thế kỷ XV thời Hậu Lê về vùng đảo Hà Nam khai cơ lập nghiệp. Từ đó, con cháu dòng họ tưởng nhớ, truy ơn công đức Tổ tiên; nhắc nhở nhau đoàn kết, giữ gìn đạo đức gia phong, truyền thống gia tộc để xây dựng dòng họ ngày một lớn mạnh, bền vững; chấp hành chính sách pháp luật, cùng nhau nỗ lực xây dựng làng xóm, quê hương phát triển.
Rời nhà thờ họ Ngô, chúng tôi ghé thăm từ đường họ Bùi, họ Lê… Không khí tấp nập, rộn ràng, con cháu một lòng hiếu kính với ông bà, tổ tiên vẫn là điều rõ nét mà chúng tôi cảm nhận được. Và hơn hết là sự gắn kết tình cảm máu mủ, ràng buộc giữa các thành viên trong gia tộc vô cùng bền chặt.
Ông Bùi Tiến Quỳnh, trú tại phường Quảng Yên, TX Quảng Yên, chia sẻ: Dù nhiều năm không sống ở đảo Hà Nam nhưng cứ đúng ngày “Chạp Tổ” và làm lễ “Ra cỗ họ” đầu năm, gia đình, anh em dòng tộc họ Bùi chúng tôi đều có mặt dâng lễ. Trước cúng Tổ tiên, sau là để nhận họ hàng, cha chú, anh em, con cháu… Dù công tác, nghề nghiệp có khác nhau, chức vị có chênh lệch ngoài xã hội thì về với dòng tộc, anh em, họ hàng chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng, tình cảm vẫn rất gắn bó, có trên có dưới. Đây là dịp để mọi người có cơ hội hỏi thăm nhau việc làm ăn, nghề nghiệp, đời sống gia đình để chia sẻ những niềm vui hay những khó khăn, kịp thời động viên nhau cố gắng vươn lên.
Mâm lễ “Chạp Tổ” và “Ra cỗ họ” xưa thường trưng bày gồm các thứ thực phẩm như: Thủ lợn hoặc một con gà trống luộc, chai rượu, ván xôi với bánh giầy, bánh chưng, bánh gio, bánh mật, bánh gai…, cùng hoa quả, trầu cau. Thủ lợn hoặc con gà thường được cài ngậm bông hoa màu đỏ tượng trưng cho tài lộc. Xôi từ trái gấc chín đỏ, thơm dẻo được đóng thành khuôn đĩa hoặc mâm xôi. Các thực phẩm khác cũng được các gia đình lựa chọn kĩ càng để dâng lễ đảm bảo là loại to đẹp, thơm ngon.
Ngày nay, cuộc sống phát triển muôn mặt, thực phẩm ngày càng đa dạng nên mâm cỗ họ ngày càng phong phú hơn nhưng vẫn trên nền vật phẩm cúng dâng tổ tiên như xưa. Tuỳ điều kiện gia đình, mâm lễ sẽ được trưng bày khác nhau, thêm nhiều món bánh trái, hoa quả, bia, nước ngọt… rực rỡ sắc màu; nhà có điều kiện còn thêm rất nhiều loại thực phẩm phong phú. Sau các nghi lễ, con cháu, anh em, họ hàng lại được quây quần bên mâm cỗ.
Đúng ngày “Chạp Tổ”, vùng đảo Hà Nam ngập tràn không khí “Tống cựu nghinh tân”, “Uống nước nhớ nguồn”. Xe cộ tấp nập, rất đông con cháu đều gác lại công việc; nhiều người ở các tỉnh, thành xa, thậm chí ở nước ngoài cũng cố gắng thu xếp về làm lễ tổ tiên, tham gia hoạt động truyền thống của dòng họ. Trên các ngả đường, con cháu đội các mâm cỗ lên các nhà thờ họ, các cụ cao niên khăn xếp áo the, che ô tạo nên khung cảnh tưng bừng, sắc màu rực rỡ làm đẹp thêm bức tranh xuân của vùng đảo Hà Nam vốn giàu truyền thống văn hoá. Các thế hệ họp mặt, chuyện trò râm ran; ngập tràn tiếng cười, tiếng chúc tụng.
Đặc biệt, trong ngày “Ra cỗ họ” đầu năm sẽ có thêm hoạt động khuyến học, khuyến tài. Hiện ở Hà Nam, nhiều dòng họ lập Quỹ Khuyến học, khuyến tài để khen thưởng, động viên con cháu thi đua học giỏi, đỗ đạt đóng góp cho truyền thống hiếu học của dòng họ, mang về tiếng thơm và rộng hơn là sau này góp sức xây dựng quê hương. Trong ngày này, con cháu trong dòng họ có thành tích đều được khen thưởng, các cháu nhỏ khác cũng nhìn vào đó mà noi gương.
Là thế hệ trẻ của dòng họ Bùi, cháu Bùi Thu Huyền, đầy tự hào chia sẻ: Cháu được đi tới nhiều nơi, tìm hiểu các hoạt động văn hoá nhưng đúng là chưa thấy ở đâu có phong tục truyền thống đặc biệt như ở Hà Nam. Cháu cảm thấy rất yêu nét đẹp văn hoá của dòng tộc, của quê hương. Vì vậy, cứ tới ngày Chạp Tổ, chúng cháu thường có mặt để tham gia các hoạt động của dòng họ, cùng cha mẹ dâng lễ lên tổ tiên và còn được khen thưởng khi có thành tích học tập tốt, từ đó nỗ lực để đạt được thành tích cao hơn như lời căn dặn của các ông bà, bố mẹ.
Tục “Chạp Tổ” và “Ra cỗ họ” là nét đẹp văn hóa độc đáo, một phong tục hướng về cội nguồn Tổ tiên, ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân sinh thành, dưỡng dục và khai cơ lập nghiệp tại vùng bãi triều cửa sông Bạch Đằng, xây dựng nên vùng Hà Nam, Quảng Yên, ngày nay. Phong tục này luôn được trân trọng vì mang tính giáo dục cao về đạo lý uống nước nhớ nguồn, nối dài huyết thống của cư dân nơi này, và nhắc nhở con cháu: Đã là người trong họ tộc thì phải biết nhau, thương yêu và giúp đỡ nhau.
Theo ông Ngô Đình Dũng, Trưởng phòng Văn hoá TX Quảng Yên, Lễ “Chạp Tổ” và “Ra cỗ họ” của vùng đảo Hà Nam gắn liền với tục thờ các Tiên Công và Lễ hội Tiên Công – Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đây là nét đẹp văn hoá đặc trưng, riêng có cần được giữ gìn trong đời sống cư dân. Vì vậy, TX Quảng Yên đã quan tâm tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hóa dòng họ để nhân dân, con cháu các họ tiếp tục duy trì và thực hiện tốt truyền thống này. Người Hà Nam có thể tự hào là con cháu Tiên Công, cùng nhau đoàn kết bảo tồn những nét đẹp, di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất bên dòng Bạch Đằng giang và đóng góp vào sự nghiệp phát triển đi lên của mảnh đất này.