Tuần tra trên biển để giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, vận động ngư dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép là công việc thường xuyên của các chiến sĩ biên phòng ở những đồn quản lý tuyến biên giới biển.
Suýt phải “giã từ vũ khí”
Để có thêm chất liệu cho những tác phẩm báo chí của mình, chúng tôi đã xin phép các chiến sĩ biên phòng ở Móng Cái được lên xuồng cùng họ trong một số chuyến tuần tra. Thượng tá Vũ Thế Rằng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vạn Gia đưa chúng tôi lên xuồng để đi cùng các anh trong một chuyến tuần tra như thường lệ.
Thượng tá Rằng chia sẻ: Đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới trên biển chính diện 14,5km, chiều sâu khoảng 35km; phụ trách địa bàn biên phòng, gồm các xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung và Cửa khẩu cảng Vạn Gia (TP Móng Cái). Để giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo đơn vị phụ trách, thời gian qua đồn đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép qua tuyến biên giới biển.
Do đặc thù địa bàn đơn vị phụ trách rộng, các cảng bến tập trung nhiều người, phương tiện tàu thuyền trong và ngoài nước đến làm ăn, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, nên các đối tượng thường lợi dụng để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa.
Trước thực trạng trên, đồn đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu cảng và trên biển, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa. Đặc biệt vào dịp cuối năm trước Tết Nguyên đán, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ càng phải nâng cao hơn trong đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.
Thượng tá Vũ Thế Rằng cho biết: “Hằng năm, đơn vị sớm xây dựng các chương trình, kế hoạch về công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển; quán triệt, giao nhiệm vụ đến từng tổ, đội, trạm, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ chiến sĩ hiểu rõ về tình hình địa bàn, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển”.
Cả một buổi sáng, xuồng của chúng tôi tuần tra ở những vùng trọng điểm, khu vực vùng nước cảng, cảng biển nhưng không hề phát hiện một con tàu nào có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển cũng như không có tàu đánh cá nào đánh bắt bằng hình thức tận diệt, sử dụng công cụ cấm. Đến mỗi điểm dừng, các anh đều tranh thủ trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình trên biển…
Tôi thành thực bảo với anh Rằng, nếu tuần tra bắt được một vụ thì chúng tôi sẽ có nhiều chuyện để kể hơn. Nhưng thực ra, tuần tra mà đi về tay trắng kiểu này lại rất mừng. Mừng vì ý thức chấp hành pháp luật của bà con được nâng cao. Mừng cho công việc của các anh chiến sĩ biên phòng cũng bớt đi phần vất vả.
Mải mê theo dõi câu chuyện của các chiến sĩ biên phòng, anh bạn đồng nghiệp của tôi giờ mới giật mình sực nhớ đến chiếc flycam. Chả là trước hành trình, anh bạn đồng nghiệp của tôi đã cài định vị flycam theo xuồng để có thể ghi được những hình ảnh đẹp nhất, chân thực nhất về các chiến sĩ biên phòng. Không hiểu sao giờ tìm mãi mà không thấy flycam ở vị trí nào trên bầu trời. Tôi nhận ra nét mặt đầy lo lắng của anh bạn đồng nghiệp cũng như những chiến sĩ biên phòng trên xuồng.
Anh bạn tôi tặc lưỡi: “- Chắc là rơi xuống biển rồi. Giã từ vũ khí rồi”. Nghe vậy, tôi bảo chiến sĩ lái xuồng quay lại theo hành trình đã đi, biết đâu nó mắc ở đâu đó, ngư dân giữ lại hộ thì sao. Suốt cả hành trình chúng tôi trở lại đều không thấy bóng dáng flycam đâu. Anh lái xuồng cũng thất vọng đưa xuồng về bến thì tôi chợt nhận ra vật gì đang bay là là ngay trên khoảng không ở bến đậu xuồng. Cả đoàn reo lên sung sướng. Hóa ra, thiết bị bay bây giờ quá thông minh, khi không theo kịp xuồng của chúng tôi, bị mất dấu lạc đường nó ngay lập tức sẽ trở lại vị trí xuất phát ban đầu và đứng yên ở đó để đợi chủ.
Những ngư dân trên biển cũng vậy. Giữa mênh mông của trời nước biển khơi, ngư dân luôn tìm thấy cho mình những cột mốc để định hình luồng tuyến mà đi. Ngoài những chiếc phao, những ngọn hải đăng thì mỗi lá cờ Tổ quốc trên nóc thuyền là một cột mốc chủ quyền. Còn một cột mốc khác không thể lung lay, không ai làm họ lạc lối được, đó là tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc luôn trong tim mỗi người trong cuộc mưu sinh trên biển cả bao la.
Chiến công thầm lặng nơi đầu sóng, ngọn gió
Từ Vạn Gia, chúng tôi về Trà Cổ để tiếp tục một cuộc hành trình tuần tra trên biển khác. Chờ anh em mặc áo phao đầy đủ, Thiếu tá Dương Văn Quyền, thuyền trưởng, Đồn Biên phòng Trà Cổ, cho chiếc xuồng nổ máy lao vút đi trên biển.
Hôm nay, trời mù mịt, sương xuống nhiều. Sóng đánh vào mạn xuồng phầm phập. Sóng chồm lên cả chiếc xuồng làm anh em chúng tôi ai nấy đều ướt hết. Nước biển mặn mòi ngấm vào áo quần, vào tóc tai, mồm miệng mặn chát. Sóng bắn cả lên chiếc máy ảnh trên cổ tôi đang đeo. Càng ra xa bờ sóng càng mạnh. Sóng to gió lớn làm cho chúng tôi nôn nao. Chiếc xuồng chồm lên trên sóng lớn. Sóng đánh mạnh nên phải đến gần chúng tôi mới nhận ra chiếc tàu cá của ngư dân bị đắm bởi con tàu đã chìm gần hết, chỉ còn trơ lại phần nóc và mũi tàu.
Thiếu tá Quyền chạy xuồng chậm lại áp mạn vào tàu. Hai chiến sĩ biên phòng còn lại đã nhanh chóng tiếp cận. Cả bốn ngư dân bị nạn đã nhanh chóng được đưa lên một tàu khác của ngư dân. Cả bốn ngư dân đều co ro run lên từng cơn. Anh bạn chủ tàu kia huy động hết tất cả khăn, áo ấm, chăn màn để quấn, đắp cho những bạn tàu không may gặp nạn. Rồi một ngư dân tàu bên cùng với các chiến sĩ biên phòng nhảy lên nóc, lên mũi con tàu đang gần chìm. Các anh tìm tất cả những dây chão có thể tìm được. Rồi lặn xuống trong nước biển giá lạnh, anh buộc chặt vào thành con tàu đang chìm. Xong xuôi, anh lại ngoi lên buộc đầu dây còn lại vào mũi, vào lái, vào thân con tàu kế bên.
Công việc khẩn trương. Các anh chỉ hô nhau làm. Không cần một lời giải thích vì gần như ai cũng hiểu. Còn chúng tôi thì hiểu rằng các anh đang cố định con tàu đắm vào con tàu kia tránh cho sóng và thủy triều đánh dạt đi ra xa mất dấu vết. Hàng chục sợi dây đã được buộc chặt như thế. Đây là công đoạn quan trọng bước đầu để chờ cho nước xuống sẽ lai dắt con tàu đắm vào gần bờ rồi mới có thể trục vớt được.
Đây là con tàu của ngư dân Thanh Hóa đang đi đánh bắt ghẹ. Con tàu chìm dần từ 4 giờ sáng. Trời còn tối lắm nên chủ tàu và ba người bạn tàu cũng chẳng kịp quơ lấy đồ đạc gì. Nguyên nhân ban đầu của vụ đắm tàu là vì tàu bị chết máy, trôi dạt tự do trên biển. Sóng lớn đánh bục mạn tàu. Nước theo chỗ thủng đã tràn vào khoang làm tàu đắm. Sóng to, gió lớn cũng làm con tàu chìm nhanh hơn. Anh Quyền ra lệnh đưa những ngư dân đang co ro vì rét kia lên để chăm sóc y tế. Và chúng tôi cũng thấm mệt vì tác nghiệp trong sóng gió rồi nên cũng cần được về bờ nghỉ ngơi. Thực tế thì công việc đến đây cũng đã bước đầu tạm ổn. Tàu đắm đã được cố định. Chờ nước xuống sẽ đưa gần vào bờ.
Đến bây giờ đội tàu của anh Quyền cũng không thể nhớ hết đã cứu nạn được bao nhiêu vụ trên biển. Còn chúng tôi thì nhớ mãi chuyến đi này với các anh. Một chuyến đi có nhiều chất liệu thực tế, sinh động, không hề có trên sách vở. Không lâu sau khi nước xuống, các anh gọi điện báo cáo chỉ huy là tàu của ngư dân đã được trục vớt thành công. Giọng các anh báo tin vui mà ráo hoảnh bởi vì có lẽ đó là công việc, là phận sự các anh vốn quen làm. Nhưng với chúng tôi, đó là những chiến công thầm lặng của người lính quân hàm xanh đang canh giữ biển trời Tổ quốc ở ngay nơi đầu sóng, ngọn gió.