Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến văn hoá và xây dựng con người mới. Minh chứng là ngay sau khi nước nhà mới giành được độc lập và cho đến cuối đời, Người đã hết sức coi trọng vấn đề về văn hoá và xây dựng con người văn hoá nhằm hướng tới xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến di sản văn hoá của dân tộc. Nói đến văn hoá dân tộc và để văn hoá dân tộc có điều kiện phát triển, Hồ Chí Minh cho rằng văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại. Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để phải tạo ra một nền văn hoá Việt Nam.
Bác quan tâm tới việc xây dựng một xã hội mới vững chắc, lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cuộc cách mạng trên lĩnh vực văn hoá. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám (1945), trong nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá mới, Người lưu ý đến ba nội dung với ý nghĩa là tính chất của nền văn hoá mới: Dân tộc, khoa học, đại chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền văn hoá toàn diện, bao gồm văn hoá, chính trị, kinh tế, xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hoá Việt Nam có 3 mặt thống nhất với nhau. Đó là củng cố, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá dân tộc; khắc phục những thiếu hụt của văn hoá truyền thống và cuối cùng là tạo ra những giá trị của nền văn hoá tương lai, hoàn thiện nhân cách, hướng con người tới chân, thiện, mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự nghiệp trồng người là một chiến lược, vì lợi ích “trăm năm”. Bác quan tâm tới việc xây dựng con người có mục đích và lối sống cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Người nói tới việc xây dựng con người của chủ nghĩa xã hội có tư tưởng và tác phong với những nội dung cơ bản: Có ý thức làm chủ, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, cần kiệm xây dựng đất nước, hăng hái bảo vệ Tổ quốc và có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quốc tế trong sáng. Bác quan tâm tới việc bồi dưỡng về đạo đức cách mạng, bồi dưỡng về trí tuệ, trình độ văn hoá khoa học – kỹ thuật, ngoại ngữ. Theo Bác, những con người mới cũng cần có sức khoẻ với ý nghĩa đầy đủ của quan niệm sức khoẻ: Vật chất và tinh thần, thể xác và tâm hồn.
Dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ nhưng tư tưởng của Người về văn hóa và xây dựng con người mới đã và đang giữ nguyên giá trị tới hôm nay.
Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kế hoạch số 373-KH/TU ngày 25/12/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ninh triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam nhất là về văn hóa trong Đảng và đạo đức cách mạng trong tình hình mới”. Cùng với đó là thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh”. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng: “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”.
Đây sẽ là những nền tảng để đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu xây dựng Quảng Ninh ngày một đẹp giàu hơn nữa.