Những ngôi nhà đắp bằng đất ruộng của đồng bào Bình Liêu đang ngày một thưa vắng. Song nhờ nỗ lực cải tiến, biến những căn nhà truyền thống thành những homestay mang nét văn hóa bản địa độc đáo, một hướng bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững đã được mở ra.
Những năm gần đây, huyện miền núi biên giới Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh thay da đổi thịt từng ngày. Hệ thống giao thông kết nối tới từng thôn bản, các thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao đời sống vật chất và hưởng thụ tinh thần của người dân. Nhưng với những người đã từng đặt chân tới mảnh đất này khoảng chục năm về trước, mỗi chuyến đi về lại đan xen giữa những khấp khởi vui mừng và đôi chút tiếc nuối.
Mừng vì cuộc sống của người dân ngày càng đủ đầy hơn nhưng nuối tiếc vì bóng dáng của những nếp nhà truyền thống của đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ… ngày một thưa vắng. Những nếp nhà xưa cũ đang dần nhường chỗ cho sự phát triển và hiện đại.
Ở Bình Liêu, người Tày, ngưới Sán Chỉ có nhà truyền thống xây bằng gạch đất, người Dao Thanh Phán lại có nhà xây bằng đất ruộng gọi là trình tường. Các kiểu nhà này tuy có đôi chỗ khác biệt, song tựu chung đều được làm từ đất ruộng. Nhà mái thấp, lợp ngói âm dương, mùa đông ấm, mùa hạ mát. Không gian trong nhà được chia thành gian chính là phòng khách, bên phải là bếp và bên trái là giường ngủ. Trước đây, cuộc sống khó khăn, những ngôi nhà truyền thống như vậy là đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của một gia đình. Song ngày nay, kinh tế khấm khá, cùng với cuộc vận động người dân xây dựng nhà ở kiên cố, những nếp nhà truyền thống ngày một vắng bóng để nhường chỗ cho những ngôi nhà mái bằng, nhà mái thái kiên cố.
Anh Dường Cắm Hếnh, người Dao Thanh Phán (thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn) chia sẻ: Nhà trình tường trước đây các cụ đắp bằng đất ruộng, qua hai mươi, ba mươi năm, chân nhà hay bị nứt, rồi thêm chục năm nữa lại phải xây lại. Bây giờ kinh tế khấm khá hơn, các gia đình có điều kiện xây nhà mới. Đa phần đều dùng bê tông, xây gạch cho kiên cố chứ không mấy ai xây lại nhà truyền thống nữa.
So với nhà đất truyền thống, nhà mái bằng, nhà mái thái hiện đại, kiên cố, chống chịu được thiên tai tốt hơn nên ngày càng có nhiều gia đình bỏ nhà truyền thống xây nhà theo lối hiện đại. Nhà gạch đất hay trình tường còn lại thì cũng bị bỏ hoang hay dùng làm nhà kho chứa đồ.
Với mong muốn gìn giữ những ngôi nhà trình tường của ông cha để lại cho thế hệ mai sau, biến những ngôi nhà trình tường trở thành homestay cho du khách lưu trú, từ năm 2023 gia đình anh Dường Phúc Thím (thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn) bắt tay vào xây dựng hai căn homestay theo kiến trúc nhà trình tường của người Dao.
“Về vật liệu, nhà trình tường kiểu mới không chỉ sử dụng đất ruộng mà có trộn thêm xi măng, cát, đá theo tỷ lệ phần trăm nên bền chắc và kiên cố hơn. Còn về cách xây, đầu tiên phải phơi đất khô xong rồi mới sàng đất, pha trộn xong mới nện. 12 phân sẽ nện một lần. Tôi thấy nhà trình tường kiểu mới làm lên cơ bản là đẹp và chắc là được hàng trăm năm”, anh Thím chia sẻ.
Homestay trình tường mới vừa truyền thống lại vừa hiện đại. Truyền thống ở kiến trúc và phong cách bài trí có các hoa văn, họa tiết dân tộc, còn hiện đại ở các tiện nghi từ nhà tắm, phòng ngủ đều đáp ứng tiêu chuẩn lưu trú đạt chuẩn phục vụ du khách.
Biến những ngôi nhà truyền thống thành những homestay mang màu sắc văn hóa bản địa độc đáo là hướng đi đang được huyện Bình Liêu định hướng để dần hình thành những làng du lịch cộng đồng của người Tày, Dao, Sán Chỉ. Trước homestay trình tường tại Đồng Văn, homestay nhà đất Hồng Đông tại xã Hoành Mô cũng được xây dựng theo lối truyền thống và hiện đại kết hợp. Đây vừa là cách bảo tồn văn hóa một cách bền vững lại vừa phát triển sản phẩm lưu trú mang dấu ấn riêng của Bình Liêu.
Ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Hòn Gai – Chi nhánh Quảng Ninh đánh giá: “Những cơ sở lưu trú mang phong cách riêng và bản sắc văn hóa cộng đồng của người dân địa phương chính là những yếu tố tạo nên “chất” của du lịch Bình Liêu và huyện cần phát huy hơn nữa để tạo ra lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt”.
Hiện số lượng những ngôi nhà cổ truyền thống của Bình Liêu không còn nhiều và vẫn chưa có một thống kê chính thức làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị những ngôi nhà này gắn với phát triển du lịch. Thiết nghĩ thống kê, khoanh vùng và hỗ trợ những gia chủ có nhà cổ cần bảo tồn là việc mà huyện cần sớm triển khai. Có như vậy, những ngôi nhà truyền thống với giá trị văn hóa gốc quý báu mới tránh khỏi số phận biến mất một cách đáng tiếc và lãng phí nhất là khi Bình Liêu trong lộ trình xây dựng các bản văn hóa người Tày, Dao, Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng.