Ngày 2/1/2024 tròn 60 năm ngày Báo Quảng Ninh, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh – Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ra số đầu (2/1/1964).
Ngày 2/1/2019, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (QMG) được thành lập, trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh (Báo Quảng Ninh, Đài PT-TH tỉnh, Báo Hạ Long, Cổng TTĐT tỉnh). Từ thời điểm này, khi gọi “Báo Quảng Ninh” để chỉ các ấn phẩm báo Quảng Ninh hằng ngày, báo Quảng Ninh cuối tuần, báo Quảng Ninh điện tử của QMG, cùng với các kênh phát thanh, truyền hình. QMG mới là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Đây là mô hình báo chí mới, hội tụ các nền tảng, theo xu hướng tập đoàn báo chí mà tỉnh Quảng Ninh đi đầu thực hiện.
Từng bước lớn mạnh
Báo Quảng Ninh được thành lập theo Quyết nghị số 03-NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ngày 31/12/1963. Theo Quyết nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quyết định: “1. Đổi tên tờ báo Vùng Mỏ cơ quan Đảng bộ Đảng lao động Việt Nam khu Hồng Quảng thành “Quảng Ninh cơ quan của Đảng bộ Đảng lao động tỉnh Quảng Ninh”. 2. Ban Giám đốc Công ty than trong điều kiện có kinh phí, có biên chế riêng thì có thể ra tờ tin riêng lấy tên “Vùng Mỏ”. (Trong khi Ban Giám đốc Công ty than chưa ra tờ tin riêng, Báo Quảng Ninh có trách nhiệm ra phụ trương để phục vụ kịp thời phong trào sản xuất công nghiệp trong tỉnh)”.
Thực hiện Quyết nghị trên, đội ngũ Báo Quảng Ninh được kiện toàn trên cơ sở đội ngũ Báo Vùng Mỏ và Báo Hải Ninh. Công ty Than Hòn Gai (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đã ra tờ tin Vùng Mỏ (năm 1968 tờ tin Vùng Mỏ sáp nhập vào Báo Quảng Ninh). Thời gian đầu, Báo Quảng Ninh và tờ tin Vùng Mỏ đều phát hành tuần một số. Báo Quảng Ninh tiếp tục có phiên bản chữ Hán, mà Báo Hải Ninh trước đó thực hiện, để phục vụ các địa phương có đông đồng bào Hoa.
60 năm liên tục phát hành, Báo Quảng Ninh ngày một phát triển, từ tăng số lượng, số trang đến số kỳ, từ chỉ có báo in đến có báo điện tử, từ đưa tin phản ánh đến chủ động các đợt truyền thông, trở thành một trong những biện pháp chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Từ phát hành mỗi tuần một số, mỗi tuần 2 số, đến 10/3/1984, Báo Quảng Ninh ra thêm số thứ bảy chuyên về văn hoá, văn nghệ, thể thao, 4 in màu một số trang. Tháng 8/1998, thêm ấn phẩm “Quảng Ninh đặc san” (sau đổi là “Quảng Ninh hằng tháng), tồn tại đến 4/2011).
Ngày 2/9/1999 là dấu mốc về công nghệ làm báo của Báo Quảng Ninh: thực hiện tách ảnh màu tại toà soạn. Đây là cơ sở để đến 20/6/2000 Báo Quảng Ninh đã thực hiện chế bản tại toàn soạn. Những phần việc chế bản trước đây do nhà in thì nay toà soạn báo chủ động thực hiện với công nghệ hiện đại.
Từ ngày 1/1/2021, Báo Quảng Ninh tăng kỳ xuất bản từ 3 lên 4 kỳ/tuần, gồm các số thứ hai, thứ tư, thứ sáu in 2 màu và số Quảng Ninh cuối tuần in 4 màu. Ngày 21/6/2002, Báo Quảng Ninh tăng từ 4 kỳ/tuần lên 6 kỳ/tuần. Một năm sau, ngày 1/7/2003, Báo Quảng Ninh phát hành tất cả các ngày trong tuần, chính thức trở thành nhật báo.
Ngày 31/6/2006, ra mắt Báo Quảng Ninh điện tử và đến 25/11/2011 có Thời sự online, phiên bản tiếng Anh, phiên bản tiếng Trung.
Sau khi báo in trở thành nhật báo, Báo Quảng Ninh đã tăng trang. Ngày 1/1/2010 Báo Quảng Ninh cuối tuần tăng từ 8 trang lên 12 trang. Ngày 1/4/2011 Báo Quảng Ninh hằng ngày tăng từ 4 trang lên 8 trang.
Cùng với các số báo thường kỳ, Báo Quảng Ninh đã chủ động đề xuất và thực hiện các số báo đặc biệt nhân các sự kiện, thực hiện các ấn phẩm về du lịch bản tiếng Anh, bản tiếng Trung. Báo Quảng Ninh còn đề xuất và thực hiện ấn phẩm “Quảng Ninh toàn cảnh” để thêm một “kênh” công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của tỉnh, các thông tin về chức năng của cơ quan chính quyền, về thủ tục hành chính, dịch vụ công cho công dân và doanh nghiệp.
Khi hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông thành QMG, trong lĩnh vực báo in, cùng với các ấn phẩm báo Quảng Ninh hằng ngày, báo Quảng Ninh cuối tuần, còn có ấn phẩm báo Hạ Long, ấn phẩm đặc san Hoa Sen (in song ngữ Việt – Trung). Cũng trong lĩnh vực này, QMG còn thực hiện xuất bản nhiều ấn phẩm sách phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Truyền thống tự hào
Báo Quảng Ninh, trước đó là Báo Vùng Mỏ, Báo Hải Ninh, trước đó nữa là các tờ báo kháng chiến và đều từ ngọn nguồn báo Than, cơ quan ngôn luận của chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên ở Vùng Mỏ năm 1928. Báo Than là ngọn nguồn của báo chí cách mạng Quảng Ninh.
Ngay sau khi Báo Quảng Ninh thành lập, vượt lên muôn vàn khó khăn trong bối cảnh giặc Mỹ bắn phá, báo vẫn ra đều kỳ. Các phóng sự nóng bỏng từ Nhà máy điện Uông Bí, Nhà máy cơ khí Cẩm Phả, Bến Cửa Ông, Phà Bãi Cháy, đảo Ngọc Vừng, xã Nam Hoà, cầu Cầm, trận địa Đặng Bá Hát… đã biểu dương rất kịp thời những chiến công hiển hách. Từ các chuyên mục “Người tốt việc tốt”, “Người chủ Vùng than”, Báo Quảng Ninh đã phát hiện nhiều tấm gương sáng như “Tổ xe thanh niên Lê Khắc Vừng”, như “Hiện tượng Mạo Khê” tổ chức tốt sản xuất…
Ngay từ trước 1975, Báo Quảng Ninh đã tập trung thông tin, tuyên truyền phòng, chống các hiện tượng tiêu cực, tham ô. Bài báo “Phải biết căm giận những con số không trung thực” đã đề cập đến tính trung thực trong sản xuất công nghiệp. Trong những năm đổi mới, Báo Quảng Ninh có hàng loạt bài phản ánh, phân tích, giải pháp các sự kiện, như về chuyển dời vị trí xây dựng nhà sáng Úc, về Cảng nổi Trà Báu trên Vịnh Hạ Long, về việc ngành Than giãn việc, giãn thợ, về thực trạng bi đát ngành cơ khí mỏ, về tổ chức Đảng trong ngành Than…
Cùng với tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên, Báo Quảng Ninh đã chú trọng phát hiện những nhân tố mới, lý giải những vấn đề nảy sinh, đấu tranh với tiêu cực, tham ô. Qua quá trình đó, Báo Quảng Ninh đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng .
Báo Quảng Ninh sớm có các tác phẩm đoạt Giải báo chí toàn quốc (nay là Giải báo chí quốc gia): Giải nhất năm 1992 “Xây dựng nhà tuyển than mới Hồng Gai: Những câu hỏi cần lời giải đáp (Vũ Điều); giải khuyến khích năm 1997 “Một vùng đất bãi” (Quốc Huần); giải ba năm 2002 “Một nghị quyết được cuộc sống đặt tên” (Ngô Tiến Cảnh – Lương Mạnh Hùng)…
Báo Quảng Ninh thực sự là món ăn tinh thần của công chúng bạn đọc, góp phần quan trọng vào nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong tỉnh. Một số lượng đáng kể đội ngũ nhà báo Báo Quảng Ninh tích đồng thời tích cực hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật đã tạo nên nét đặc sắc trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền văn hoá, văn nghệ trên báo. Sáng tác văn học có các nhà báo: Như Mai, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Trần Ngọc Tảo, Ngô Tiến Cảnh…. Sáng tác ảnh nghệ thuật có các nhà báo: Đỗ Kha, Công Vượng, Hào Minh, Đỗ Khánh, Phạm Thành… Sáng tác mỹ thuật có các nhà báo Công Phú, Vũ Quý… Nhiều cộng tác viên với những tác phẩm đầu tay được giới thiệu trên báo dần trưởng thành, trở thành các tác giả quen biết như các nhà văn, nhà thơ: Võ Khắc Nghiêm, Nguyễn Sơn Hà, Hoàng Văn Lương, Sỹ Hồng, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Đức Huệ, Nguyễn Châu, Lê Hường…
Phát huy ngọn lửa báo Than, “Báo Quảng Ninh luôn thể hiện được vai trò là công cụ sắc bén của Đảng bộ và chính quyền trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh nhà phát huy truyền thống, đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”. (Trích Thư chúc mừng của Thường trực Tỉnh uỷ – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhân kỷ niệm 50 năm Báo Quảng Ninh ra số đầu).
Ghi nhận những thành tựu, Báo Quảng Ninh vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và của Nhà nước: Huân chương Độc Lập hạng Nhất (1994); Huân chương Độc Lập hạng Nhì (1984 và 2013); Huân chương Độc lập hạng Ba cho Ban Kinh tế của Báo (2000).
Bản lĩnh chính trị của Báo Quảng Ninh là tài sản quý, đang được phát huy trong xây dựng và phát triển Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.