“Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không phải là một dự án phim lịch sử nhưng đã gây nên cuộc tranh cãi dữ dội trên khắp các nền tảng mạng xã hội năm 2023 liên quan đến những yếu tố về lịch sử.
“Đất rừng phương Nam” được quảng bá rầm rộ từ đầu năm 2023 là dự án lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, bộ phim được đầu tư về bối cảnh, hình ảnh, khi rong ruổi trên nhiều tỉnh thành của “lục tỉnh Nam Kỳ” để quay.
Phim ra rạp được ngợi khen về mức độ đầu tư cho hình ảnh, âm nhạc, quay dựng… nhưng lại vướng vô số những tranh cãi về tạo hình nhân vật, trang phục, đặc biệt các hội nhóm kín liên quan đến người gốc Hoa trong cuộc chiến chống Pháp ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
Khán giả chia phe tranh cãi dữ dội biến “Đất rừng phương Nam” thành dự án phim gây tranh cãi ồn ào nhất năm. Bên cạnh những ý kiến chỉ trích tình tiết phim có sự sai lệch so với chính sử, vẫn có đông đảo ý kiến bảo vệ, cho rằng “Đất rừng phương Nam” đã kể một câu chuyện đẹp về Nam Kỳ anh hùng, trù phú một thuở. Từ đây, câu chuyện làm phim có đề tài lịch sử, hoặc liên quan đến lịch sử cần khai thác như thế nào cũng được mang ra mổ xẻ, bàn luận.
Phim lịch sử tuyên truyền khô cứng luôn ế ẩm, lãng phí
Dù vướng tranh cãi dữ dội, “Đất rừng phương Nam” vẫn cán mốc doanh thu 140 tỉ đồng (theo số liệu của Box Office).
Trong khi đó, cùng ra mắt với “Đất rừng phương Nam” vào tháng 10.2023 có 2 dự án phim lịch sử do Nhà nước đặt hàng là: “Hồng Hà nữ sĩ” và “Đào, phở và piano”.
Hai dự án phim Nhà nước đặt hàng đến nay chưa có lịch ra rạp, có thể, chỉ chiếu ra mắt vài ngày rồi xếp kho. Ngay cả khi được xếp lịch ra rạp, hai dự án này rất dễ phải đối diện với sự ế ẩm, thua lỗ giống như hàng loạt dự án phim mang số phận “đặt hàng” từ trước tới nay.
Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, mỗi năm Nhà nước vẫn đặt hàng khoảng hơn 20 phim để phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Những dự án này khi được giao cho các hãng nhà nước (đã thực hiện cổ phần hóa) như Công ty cổ phần Phim truyện I, hay Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương đều chỉ chiếu ra mắt rồi lại cất đi.
Theo thông tin từ các đoàn phim, chỉ có Cục Điện ảnh sử dụng phim này đưa vào các chương trình chiếu phim phục vụ lễ kỷ niệm, các tuần phim phục vụ nhiệm vụ chính trị hay gửi cho 63 tỉnh, thành phố chiếu miễn phí.
Chính vì không chịu áp lực về thương mại, không cần quan tâm đến tính thời đại của điện ảnh, không cần phải bắt kịp thị hiếu khán giả, nên hầu hết phim đặt hàng đều làm theo lối tư duy cũ kỹ, sáo mòn, khô cứng, nặng tính tuyên truyền.
Nhắc đến 2 dự án “Hồng Hà nữ sĩ” và “Đào, phở và piano” ra mắt cùng “Đất rừng phương Nam” nhưng chìm nghỉm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – cho rằng: “Đây là một sự lãng phí”.
Chính vì tư duy làm phim cũ, nặng tính tuyên truyền, các hãng phim Nhà nước đã rơi vào điêu đứng khi bước vào cơn lốc thị trường và cuộc đua phòng vé. Năm 2023 tiếp tục ghi thêm những cột mốc mới trong “số phận” bi hài ở các hãng phim Nhà nước.
Giới nghệ sĩ “kêu khóc” khi Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát. Cuối năm 2023, Công ty Cổ phần phim Giải Phóng (Hãng phim Giải Phóng) đang nợ thuế hơn 53 tỉ đồng. Năm 2022, Hãng phim Giải Phóng báo lỗ sau thuế hơn 23 tỉ đồng (năm 2021 doanh nghiệp này cũng lỗ gần 23 tỉ đồng).
Hãng phim Giải phóng có chung số phận cổ phần hóa như Hãng phim truyện Việt Nam. Trước khi cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam cũng chưa bao giờ có lãi, hãng thua lỗ và nợ thuế đất triền miên.
Phim lịch sử cần cú bứt phá từ những vết xe đổ
Năm 2024 đang có những dự án phim lịch sử được quảng bá sẽ ra rạp. Đạo diễn Lương Đình Dũng ấp ủ kế hoạch lên kịch bản, dựng bối cảnh, may mới toàn bộ phục trang để cho ra mắt dự án “Anh hùng” dựa trên thảm án Lệ Chi Viên.
Bộ phim “Anh hùng” xoay quanh câu chuyện vua Lê Thánh Tông minh oan cho anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Khi nói về sức ép sản xuất phim lịch sử, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng: “Điều quan trọng nhất với nhà làm phim là sự trân trọng dành cho lịch sử. Coi làm phim lịch sử như một trách nhiệm, một niềm tự hào lớn. Thứ đến, tất nhiên, phim lịch sử tốn kém tài chính khủng khiếp. Nhưng chúng tôi đã kêu gọi được đầu tư và nhờ đến sự hỗ trợ về mặt bối cảnh từ các tỉnh thành”.
Nhắc đến khán giả, việc tạo được sức hút cho các dự án phim lịch sử khi ra rạp, đạo diễn Lương Đình Dũng trả lời: “Tôi sống cùng thời đại với khán giả, tôi hiểu họ muốn gì. Khi làm “Anh hùng”, tôi mời nhiều nhà làm phim lớn của quốc tế và Việt Nam cùng tham gia nên chắc chắn bộ phim sẽ xếp ngang hàng với những bộ phim quốc tế”.
“Anh hùng” vẫn là câu hỏi lớn khi ra rạp vào năm 2024. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng ấp ủ dự án “Trưng Vương” trong nhiều năm nay. Để thu hút được khán giả đến xem phim, theo Trương Ngọc Ánh, ngoài việc đầu tư bối cảnh, phục trang hoành tráng, đẹp mắt, các nhà làm phim còn cần có cách tiếp cận và kể lại câu chuyện lịch sử với góc nhìn mới, có tầm vóc thời đại.
“Sẽ không ai mua vé đến rạp để xem một câu chuyện cũ, đã nghe đã đọc từ lâu, thậm chí còn đoán trước được kết thúc như thế nào. Tiếp cận lịch sử đến đâu, góc nhìn như thế nào, để vừa giữ nguyên vẹn được sự trân trọng, nhưng vẫn làm mới được, và kể theo cách hấp dẫn nhất có thể – đó là điều rất khó với các nhà làm phim” – Trương Ngọc Ánh nói.