Nhờ xuất khẩu và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, cùng với đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức cao nhất trong 2 năm, vượt qua cả những thiệt hại do siêu bão Yagi – cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay gây ra cho nền kinh tế Việt Nam.
Đây là thông tin nổi bật trong bài viết có nhan đề “Nhờ xuất khẩu và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, tăng trưởng GDP của Việt Nam bất ngờ tăng tốc lên 7,4% trong quý 3” được “Quan sát Phố Wall” – nhà cung cấp thông tin về tài chính và kinh doanh hàng đầu Trung Quốc đăng tải và được hàng loạt tờ báo mạng đăng lại trong những ngày qua.
Bài viết dẫn số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/10 cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của Việt Nam ước tính tăng trưởng 7,4% so mức cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng cao nhất trong 2 năm qua, cao hơn mức dự báo của thị trường là 6,1% và của quý 2/2024 là 7,09%. Ngoài ra, chỉ số CPI trong tháng 9 tăng 2,63% so mức cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo của thị trường là 2,7%; tổng doanh số bán lẻ tăng 7,6% so mức cùng kỳ năm ngoái.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của Việt Nam ước tính tăng trưởng 7,4% so mức cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng cao nhất trong 2 năm qua, cao hơn mức dự báo của thị trường là 6,1% và của quý 2/2024 là 7,09%.
|
Đóng góp chủ yếu vào kết quả tăng trưởng ngoạn mục của quý 3 năm nay, hai lĩnh vực đầu tư và công nghiệp, nhất là ngành chế tạo, đóng vai trò động lực chính. Số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp lần lượt tăng 10,7% và 10,8% trong tháng 9, còn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 17,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 8,9% so mức cùng kỳ năm ngoái.
Theo bài báo, tháng 9 vừa qua, siêu bão Yagi-cơn bão mạnh nhất châu Á quét qua miền bắc Việt Nam, làm hơn 300 người thiệt mạng và làm gián đoạn cung ứng nguồn điện, hoạt động sản xuất nông nghiệp và các nhà máy bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại kinh tế lên tới 3,3 tỷ USD, dự kiến sẽ làm giảm tới 0,15 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm, ảnh hưởng kéo dài tới quý 4 năm nay.
Do tác động từ hậu quả của cơn bão, nhiều chỉ số như Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm mạnh trong tháng 9, hoạt động nhà máy phụ thuộc vào thương mại lần đầu tiên giảm trong 5 tháng…, nhưng về tổng thể trong cả 3 quý, nền kinh tế Việt Nam ít chịu tác động, các lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp, đầu tư nước ngoài đều tăng tốc bất ngờ.
Bài viết dẫn đánh giá của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ cho rằng, sau cơn bão Yagi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể áp dụng các chính sách nới lỏng, hỗ trợ nền kinh tế bằng cách hạ lãi suất liên ngân hàng.
Năm nay, Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng trưởng, khiến nền kinh tế cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ. Việt Nam là trung tâm sản xuất khu vực của các công ty đa quốc gia như Samsung Electronics, các nhà cung cấp của Apple như Foxconn và Luxshare Precision.
|
Năm nay, Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng trưởng, khiến nền kinh tế cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ. Việt Nam là trung tâm sản xuất khu vực của các công ty đa quốc gia như Samsung Electronics, các nhà cung cấp của Apple như Foxconn và Luxshare Precision. Lãnh đạo Việt Nam đã cam kết cắt giảm chi phí hậu cần và cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút thêm đầu tư. Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong năm nay là đạt mức tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5%, cao hơn mức khoảng 5% của năm ngoái; đồng thời nỗ lực kiểm soát tỷ lệ lạm phát dưới 4,5%.
Bài viết dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay, cao hơn một chút so với ước tính trước đó, nhờ “nhu cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định, vững chắc và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ”.