“Tin vào truyền hình thực tế giống như tin trong gói mì tôm có con tôm’ – khán giả than ngày càng mất niềm tin vào chữ thực tế trong ‘truyền hình thực tế’, giữa bối cảnh một loạt chương trình đang được chú ý.
Ý kiến này nhận nhiều phản hồi đồng tình. Có người viết: “Bao nhiêu tuổi rồi mà còn nghĩ show thực tế là thực tế vậy?”.
Trong những năm qua, niềm tin của khán giả vào tính “thực tế” của các chương trình thực tế đã sụt giảm rất nhiều.
Tin vào truyền hình thực tế cũng giống như tin trong gói mì tôm có con tôm. Bình luận của một khán giả về các chương trình thực tế hiện nay.
Thực tế… giả trân
Ngay trong tập 1 mùa 2 chương trình 2 ngày 1 đêm, diễn viên Lê Dương Bảo Lâm trong lúc bắn rap thì “bắn” ra luôn chiếc răng sứ. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Trường Giang khẳng định: “Đây không phải là miếng mảng cười. Đây là tai nạn tình huống thật ngoài đời”.
Sau đó, trong một clip khác Ngô Kiến Huy và Lê Dương Bảo Lâm đã tiết lộ việc rớt răng là “miếng hề” để tạo tiếng cười cho khán giả. Không ít lần Lê Dương Bảo Lâm đã dùng “miếng hề” này trong các clip của mình. Lâm bảo: “Người ta có vòm nhà tháo lắp, em có vòng răng tháo lắp”.
Việc Lê Dương Bảo Lâm rớt răng giả là cố ý hay tai nạn thì mỗi người một suy nghĩ, tuy nhiên chiêu này đã giúp tập này tăng view và khán giả cười nghiêng ngả.
Không chỉ 2 ngày 1 đêm, phần lớn các chương trình mang danh thực tế đều có sự sắp đặt rõ rệt.
Chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng lên sóng tập 1 vấp phải ý kiến cho rằng một số “chị đẹp” diễn “giả trân”.
Khi vào phòng son môi, họ tỏ ra bất ngờ khi thấy người quen, nhưng thực tế phần lớn họ đều đã biết người tham gia chương trình cùng với mình.
Còn trong Ca sĩ mặt nạ, các cố vấn khách mời hẳn đã biết danh tính một số mascot. Thay vì để khán giả thưởng thức giọng hát, nghe những lời nhận xét thật tình thì các cố vấn vờ ngây thơ, “bẻ lái” đoán lung tung và dành rất nhiều thời lượng để tung hô khen ngợi mascot đến ngán ngẩm.
Có khán giả hài hước: “Nhân viên Ca sĩ mặt nạ năm ngoái không biết sau mascot là ai. Năm nay thì: chị ơi, đội mascot ra hát”.
Nghệ sĩ chơi hết lòng là hay nhất
Truyền hình thực tế là chương trình ghi lại các tình huống thực tế không có trong kịch bản, người tham gia thường là nghệ sĩ, người nổi tiếng hoặc những người dân bình thường. Thể loại này luôn hấp dẫn với khán giả không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới bởi tính bất ngờ, thú vị trong từng tập.
Chương trình truyền hình thực tế du nhập vào Việt Nam từ 2005. Đến nay, thể loại này vẫn được yêu thích và sản xuất ở nhiều lĩnh vực, thu hút nhiều người nổi tiếng tham gia và sự quan tâm của dư luận.
Trên mặt bằng chung, các chương trình thực tế ở Việt Nam hiện nay được đầu tư cao, người chơi chủ yếu là những nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, nhân vật giải trí… Các cuộc thi ca hát, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, làng nghề được ưu tiên sản xuất.
“Tất cả các chương trình truyền hình thực tế khi vào Việt Nam đều lên sườn kịch bản.
Ê kíp sản xuất đi tiền trạm trước sau đó nghệ sĩ mới khởi hành”, bà Bích Liên – từng là giám đốc sản xuất cho nhiều chương trình truyền hình thực tế – cho biết.
Bà nhận định: “Điều này cũng bình thường vì Việt Nam theo văn hóa phương Đông nên không thể nào quay thực tế đi vào tận toilet, phòng ngủ như các chương trình thực tế của Mỹ.
Mặt khác người Á Đông thường ít chia sẻ những cảm xúc thật của mình, vì vậy truyền hình thực tế ở Việt Nam thường là các cuộc thi năng khiếu và phiêu lưu khám phá”.
Anh Duy Anh – người tham gia một số chương trình truyền hình thực tế – cho rằng:
“Các chương trình thực tế Hàn Quốc họ xem trọng biên kịch để tạo nên thành công. Kịch bản biên kịch cần có những cài cắm để nâng người chơi lên. Đối với những show truyền hình mang tính thắng thua thì cần tính toán để giữ “gà”, tạo được viral (lan truyền)”.
Không dễ dàng để tạo ra chương trình truyền hình thực tế thành công, nhất là trong giai đoạn hiện nay cuộc cạnh tranh các chương trình truyền hình khá khốc liệt.
“Tôi nghĩ rằng điều này phụ thuộc rất lớn vào nghệ sĩ. Họ phải chơi, thể hiện mình một cách thật thà nhất thì mới đúng theo tiêu chí của thể loại này. Những chiêu trò, mảng miếng nếu làm lố, làm quá có khi gây tác dụng ngược” – bà Bích Liên nói.