Thực hiện chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh về “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, vừa qua xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) đã mở các lớp hát nhà tơ (hát cửa đình) trong trường học với mục đích bồi đắp tình yêu và trao truyền cho thế hệ trẻ nghệ thuật trình diễn dân gian hàng nghìn năm tuổi, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của tỉnh Quảng Ninh.
Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân gian Việt Nam, hát nhà tơ hay hát cửa đình là một biến thể, một “mảnh vỡ đáng quý” trong số 46 làn điệu của ca trù Việt Nam. Hát nhà tơ ngoài phần lời còn rất coi trọng múa. Gần như tất cả các làn điệu hát nhà tơ đều có múa đi kèm, ca nương chủ yếu là đứng hát. Không gian diễn xướng của Hát nhà tơ cũng rộng mở hơn, đó là sân đình hay không gian lễ hội, lao động sản xuất thường ngày của người dân. Nội dung các bài hát ca ngợi các vị anh hùng dân tộc, những người có công với nước, với làng.
Di sản hát nhà tơ ở Quảng Ninh đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của cư dân các làng, xã ven biển, hải đảo và vùng biên giới của tỉnh từ Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái và sang cả một số làng người Việt bên Trung Quốc… Hát nhà tơ (Hát cửa đình) của Quảng Ninh được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.
Trong số các địa phương của Quảng Ninh, Đầm Hà được coi là cái nôi của nghệ thuật hát nhà tơ. Nơi đây vừa có không gian thực hành, có di tích gắn với loại hình văn hóa dân gian hát nhà tơ. Đặc biệt, còn có “kho báu về hát nhà tơ” là Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự (SN 1921). Cụ cũng là Nghệ nhân Nhân dân đầu tiên của Quảng Ninh được phong tặng.
Từ năm 14 tuổi, cô bé Tự đã được chú của mình là nghệ nhân Đặng Văn Tăng và mẹ truyền dạy hát nhà tơ. Đến năm 17 tuổi, cô Tự thường xuyên được mời đi hát tại các lễ hội đình làng tại Đầm Hà, Móng Cái. Trong suốt cuộc đời, nghệ nhân Đặng Thị Tự đã âm thầm sưu tầm và gìn giữ 39 bài hát với gần 800 câu, 9 giai điệu cổ và 4 điệu múa cổ đó là múa tế, múa dâng hương, múa đội đèn, múa bông.
Ở tuổi 103, lão nghệ nhân vẫn còn giữ được sự minh mẫn song việc hát trọn vẹn một bài với cụ đã trở nên rất khó khăn. Người nghệ nhân đã dành cả đời giữ lửa nghệ thuật hát nhà tơ của Quảng Ninh đau đáu liệu kho tàng hàng trăm câu hát mà cụ đang lưu giữ có trường tồn được với thời gian hay không.
Thật vui mừng khi tháng 3 này, Đoàn Thanh niên xã Đầm Hà ra mắt CLB “Hát nhà tơ trong trường học”. CLB có tổng số 50 thành viên là các em học sinh Trường Tiểu học và Trường THCS của xã Đầm Hà. Các thành viên duy trì lịch sinh hoạt, luyện tập hát nhà tơ 1 buổi/tuần. Dù mới đi vào hoạt động song CLB đã tạo được sự hứng thú cho các thành viên tham gia. Nhiều em đã hát được trọn vẹn một bài và bộc lộ chất giọng tốt.
“Ngồi nghe một tiếng tì ai/ Tiếng khoan, tiếng nhặt đêm đông trường gió lọt mùi nhang”. Mới tham gia CLB chưa đầy 2 tháng, cô bé Lê Thị Hoài, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học xã Đầm Hà, đã có thể thuộc hết một bài hát nhà tơ và phấn khởi khoe “Em được đi biểu diễn cho chương trình của huyện” (Lễ công bố và đón nhận Quyết định công nhận huyện Đầm Hà đạt chuẩn NTM nâng cao và Lễ hội đình Đầm Hà là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Chị Đặng Minh Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đầm Hà, cho biết: “Trong năm 2024, chúng tôi sẽ duy trì, mở rộng hoạt động của CLB Hát nhà tơ trong trường học, kết nạp thêm các thành viên mới. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động để các em thiếu nhi được thăm và gặp gỡ Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự, từ đó bồi đắp tình yêu dành cho điệu hát truyền thống đặc trưng tại xã Đầm Hà cho các em thiếu nhi”.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, để duy trì hoạt động của CLB hát nhà tơ hiệu quả, đoàn xã sẽ huy động các nguồn xã hội hóa, tìm kiếm nguồn kinh phí để hoạt động của các CLB đi vào nền nếp, phần nào đảm bảo chế độ cho các nghệ nhân trong quá trình truyền dạy nghệ thuật dân gian cho lớp trẻ.