Chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến Tết Trung thu. Song thời điểm Trung thu năm nay đến cũng là khi Quảng Ninh vừa trải qua những ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Từ mỗi gia đình đến các cơ quan, đơn vị, sở, ngành đều tập trung cho công tác khắc phục hậu quả, thiệt hại của bão khiến các hoạt động vui Tết Trung thu có phần trầm lắng hơn. Song tin chắc rằng, mỗi người, mỗi gia đình sẽ đều có những cách riêng để đón Tết đoàn viên bình dị và ấm cúng.
Những giá trị còn mãi
Cũng như nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội khác của dân tộc ta, Tết Trung thu thể hiện dấu ấn đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Dịp thu tháng 8, khi lúa vừa cấy xong, công việc nông nhàn, tiết trời mát mẻ là thời điểm thích hợp để người dân vui chơi.
Tết Trung thu không phải là hoạt động riêng lẻ của một vài nhà, một nhóm người mà của cả cộng đồng, làng xóm, là ngày hội lớn của mọi nhà, mọi người, mọi lứa tuổi cùng nhau quây quần, hòa mình trong các hoạt động lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa dân gian. Đó là âm thanh của tiếng trống rộn ràng trong đêm rước đèn, là hình ảnh mọi người quây quần bên mâm cỗ trông trăng, cùng nhau chia sẻ những miếng bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon, háo hức xem múa lân và nghe người lớn kể chuyện về chú Cuội, chị Hằng.
Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Tục ngữ người Việt có câu: “Muốn ăn lúa tháng năm/ Trông trăng rằm tháng tám; Trăng trong được lúa mùa/ Trăng đục mờ được lúa chiêm”, với quan niệm nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Cứ mỗi độ thu về, ai ai dường như cũng ngóng chờ ngày Tết Trung thu. Tết Trung Thu không đơn thuần là bánh kẹo, đồ chơi, là niềm vui hồn nhiên thơ bé rộn ràng trong mỗi bước chân đi rước đèn đón trăng, mà nó còn chứa đựng trong đó những tình cảm ấm áp, rất đỗi thân thương, thân thuộc trong ngày đoàn viên, sum họp của mỗi gia đình. Sự gắn kết tình thân quý giá ấy đã tô đậm thêm nét đẹp văn hoá cổ truyền đậm đà bản sắc của dân tộc, tạo nên một không khí đặc trưng Tết Trung thu của người Việt.
Theo phong tục xưa, vào dịp Tết Trung thu, cha mẹ tùy theo điều kiện gia cảnh mà bày cỗ, thể hiện tình cảm và sự quan tâm của mình tới con cái. Ngược lại, con cháu cũng mua quà bánh biếu ông bà, cha mẹ để tỏ tình hiếu thảo, lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành. Đến rằm tháng Tám, dù đi đâu về đâu, dù bận rộn, nhiều người vẫn không quên thắp nén tâm hương dâng ông bà tổ tiên. Đêm Trung thu, người ta vẫn muốn quây quần bên nhau trong ngôi nhà hạnh phúc, trong không khí yên vui, sum vầy với người thân yêu của mình. Tết Trung thu vì thế cũng chính là tết đoàn viên.
Quả thật, những nét đẹp thuần phong mỹ tục, văn hóa ẩm thực cổ truyền, sự tinh tế trong ứng xử của người Việt đã hội tụ về trong mỗi dịp Trung thu.
Mong ước bình an
Tết Trung thu, một biểu tượng văn hóa lâu đời của dân tộc ta, vẫn luôn giữ vị trí đặc biệt trong tâm thức người Việt. Đằng sau mỗi chiếc đèn lồng, mỗi miếng bánh là cả một câu chuyện về sự giao thoa, hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại, một quá trình mà qua đó những giá trị xưa cũ được làm mới, thích nghi với đời sống đương đại mà không mất đi nét đẹp nguyên bản.
Tết Trung thu năm 2024 đến khi Quảng Ninh vừa trải qua những ảnh hưởng hết sức nặng nề của cơn bão số 3. Cơn bão đi qua khiến hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hàng nghìn ô, lồng bè thủy sản, nhiều tàu du lịch, phương tiện vận tải thủy bị chìm, trôi dạt; 70% cây cối đô thị đổ gãy, nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng, hệ thống thông tin liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối, mất điện diện rộng… Với sự đồng lòng, bản lĩnh vững vàng và quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sau hơn 1 tuần, Quảng Ninh đã tập trung khắc phục hậu quả của bão, tất cả đều dồn sức để đưa cuộc sống ổn định trở lại.
Đó là hình ảnh tại TP Hạ Long, ngay trong đêm 9/9, chính quyền địa phương cùng lực lượng vũ trang và nhân dân đã làm việc không ngừng nghỉ để khắc phục hậu quả mưa bão; là hàng nghìn công nhân ngành điện lực căng mình khắc phục sự cố điện; là sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh, địa phương đã kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các hộ gia đình chịu thiệt hại sau cơn bão; là sự nỗ lực chăm lo đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho các hộ dân phải di dời vào những điểm tập trung tránh bão; là tình cảm ấm áp của các nhà hàng, quán ăn, nhà hảo tâm sẵn sàng tặng lương thực, thực phẩm, hàng trăm suất cơm miễn phí cho người dân tại các địa bàn bị thiệt hại nặng.
Và hơn cả, đó còn là sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ chống bão, họ không ngần ngại đương đầu trước nguy hiểm, tất cả vì an toàn của nhân dân. Đặc biệt, Quảng Ninh cũng tự cân đối ngân sách để khắc phục hậu quả của bão, sẵn sàng nhường lại 100 tỷ đồng do trung ương hỗ trợ tỉnh cho các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn…
Trung thu năm nay có thể không lấp lánh, rực rỡ lồng đèn, không trọn vẹn không khí náo nức, rộn ràng nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người, Trung thu vẫn đầy ắp nghĩa tình, trọn vẹn yêu thương. Anh Đàm Văn Xiêm, khu 7, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, chia sẻ: Trong hoạn nạn, khó khăn vô cùng, tôi càng trân trọng sự sẻ chia của cộng đồng. Gia đình tôi và nhiều nhà trong xóm bị tốc mái song đã nhanh chóng được các anh, chị em trong xóm di chuyển xuống nhà mọi người tránh bão tạm thời. Bão qua, mọi người xúm lại giúp đỡ nhau dọn dẹp, sửa chữa nhà ở để sớm ổn định cuộc sống. Thật sự, tình cảm sẻ chia, quan tâm của bạn bè, hàng xóm về cả vật chất lẫn tinh thần dù ít dù nhiều đã tiếp thêm động lực để tôi và nhiều gia đình vượt qua khó khăn trước mắt này.
Không khí trầm lắng của năm nay khiến không ít người nhớ đến Tết Trung thu năm 2020, 2021 khi cả đất nước căng mình chống dịch Covid-19. Song dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, tất cả người dân Vùng mỏ vẫn luôn chung sức, đoàn kết để vượt qua, cùng nhau đón những mùa trăng sau an lành, trọn vẹn đúng nghĩa, hứa hẹn cho những điều tốt đẹp, cho nhịp sống hạnh phúc sẽ tiếp tục hiện hữu trên quê hương Quảng Ninh yêu dấu.
Có thể thấy, dù ở đâu, đón Trung thu theo cách nào, rộn ràng hay trầm lắng, mới mẻ hay truyền thống thì giá trị của ngày Tết đoàn viên, sum họp sẽ không bao giờ thay đổi khi mỗi người hiểu, biết trân trọng, nâng niu sự gắn kết tình thân trong gia đình, tình yêu thương, bao bọc, sẻ chia trong cộng đồng. Đó chính là nét đẹp văn hoá cổ truyền đậm đà bản sắc của dân tộc, tạo nên một không khí đặc trưng của Tết Trung thu Việt Nam.