Dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, du khách khi tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội tham quan bên trong trụ sở Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/8, vừa qua Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố cùng Sở Du lịch Thành phố đã thống nhất phương án tổ chức cho du khách, các đoàn thể trong hệ thống chính trị tham quan trụ sở Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân trong thời gian tới.
Theo đó, vào các ngày 1 và 2/9/2023, trụ sở Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở cửa cho du khách tham quan và sẽ duy trì mở vào thứ 7, chủ nhật cuối mỗi tháng.
Chương trình tham quan được tổ chức bắt đầu từ 8 giờ và 14 giờ. Mỗi đoàn tham quan sẽ cách nhau 15 phút.
Trước đó, ngày 30/4 và 1/5/2023, Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia này lần đầu mở cửa và đã đón 51 đoàn với gần 1.500 du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Đây là tour du lịch giới thiệu di tích kiến trúc có giá trị nghệ thuật và lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, giúp du khách tìm hiểu sâu hơn các giá trị kiến trúc đô thị của Thành phố.
Tòa nhà Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là công trình quy mô lớn, tọa lạc ở vị trí giáp với ba mặt tiền đường: Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Pasteur, là điểm nhấn kiến trúc cho khu trung tâm Thành phố.
Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Trải qua hơn 120 năm hình thành và phát triển, tòa nhà đã thay đổi tên gọi qua từng thời kỳ, giai đoạn, là chứng nhân cho những chuyển biến lịch sử, chính trị, hành chính, địa lý của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Tòa nhà do kiến trúc sư Paul Gardès thiết kế, khởi công xây dựng năm 1898, trên khu đất cao, phía cuối đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Tòa nhà hoàn tất và khánh thành năm 1909. Tòa nhà là trụ sở làm việc của Hội đồng thành phố Sài Gòn, mang tên Hôtel de ville (tạm dịch là Tòa Thị chính).
Sau ngày 30/ 4/1975, tòa nhà được Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định tiếp quản, sử dụng làm trụ sở làm việc. Ngày 2/7/1976, Quốc hội Việt Nam quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh, tòa nhà vẫn được sử dụng làm trụ sở làm việc của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, tòa nhà là trụ sở làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây là địa điểm thường xuyên diễn ra các cuộc họp quan trọng và hội nghị đặc biệt của lãnh đạo thành phố, là nơi tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến thăm viếng và làm việc tại Việt Nam.
Trụ sở nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 7.500m2. Lúc mới xây dựng, tòa nhà chỉ gồm một khối sảnh với tháp đồng hồ nhô cao ở giữa và hai khối nhà một tầng ở hai bên khối sảnh. Khoảng thập niên 1940, hai khối nhà một tầng này đã được xây thêm tầng lầu.
Trên đỉnh tháp treo lá quốc kỳ, phía dưới có chiếc đồng hồ tròn. Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn phong cách kiến trúc Baroque, trang trí kiểu Rococo, cửa sắt kiểu art-nouveau…
Cổng chính hình vòm với năm cổng rộng, liên tiếp nhau cũng được trang trí khá cầu kỳ với những dây hoa, lá…Các cổng đều được làm bằng sắt và được uốn lượn hoa văn đẹp mắt. Từ cổng chính dẫn vào sảnh lớn giữa tầng trệt, hướng thẳng đến cầu thang dẫn lên lầu một.
Năm 1966, ba dãy nhà bốn tầng được xây thêm phía sau tòa nhà cổ, hiện là nơi làm việc của các phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố và trụ sở của Sở Nội vụ.
Trong xu thế phát triển và hội nhập, tòa nhà đã nhiều lần được trùng tu, nâng cấp, tôn tạo cảnh quan, mở rộng cơ sở vật chất. Năm 2005, các chuyên gia ánh sáng của Thành phố Lyon (Pháp) đã thiết kế và lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật làm cho tòa nhà càng thêm rực rỡ.
Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố không chỉ gìn giữ được những nét cổ kính, thanh lịch vốn có mà nơi đây lưu giữ và phát huy truyền thống yêu nước, nơi ghi dấu buổi lễ ra mắt nhân dân Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định của Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ vào ngày 25/8/1945, ngày nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Bia lưu niệm sự kiện lịch sử trọng đại này đã được dựng tại vườn hoa trước Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Với những giá trị hiện hữu, Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 3244/QĐ-BVHTTDL ngày 4/11/2020.