Phát huy lợi thế đất rừng và với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm công tác trồng rừng. Với nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, tỉnh đang đảm bảo, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55%.
Là một trong 3 địa phương trong tỉnh có diện tích trồng rừng lớn, thực hiện kế hoạch tỉnh giao năm 2024 là trồng 2.000ha rừng tập trung, trong đó có 200ha rừng gỗ lớn, ngay từ đầu năm, huyện Tiên Yên đã chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng ngay từ đầu năm; ban hành Đề án phát triển rừng bền vững của huyện Tiên Yên đến năm 2025 định hướng đến 2030… Huyện đã tổ chức trồng rừng gỗ lớn đối với diện tích rừng phòng hộ do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên và Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý. Nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn cũng đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng keo, bạch đàn… sang trồng rừng gỗ lớn. Quý I/2024, toàn huyện trồng được trên 220ha rừng tập trung, đạt 30% kế hoạch được giao; trồng rừng gỗ lớn đạt trên 20ha. Bước vào quý II, cùng với đẩy nhanh tiến độ trồng rừng sản xuất, Tiên Yên phấn đấu trồng mới trên 150 rừng gỗ lớn…
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng trồng rừng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách để thúc đẩy công tác trồng rừng, điển hình: Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong cả nước về phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo tiền đề cho phát triển bền vững lâm nghiệp. Tiếp đó tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030…
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng được tỉnh coi trọng. Đặc biệt, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh đã phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024. Tỉnh xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của tỉnh không chỉ cho hôm nay, mà cho cả các thế hệ mai sau. Bám sát quan điểm chỉ đạo của tỉnh, các địa phương tập trung tăng diện tích rừng có chứng chỉ rừng; nâng cao chất lượng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ven biển, tích cực chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, có những giải pháp thiết thực trong quản lý rừng tự nhiên, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng là nguồn sinh thủy của các hồ, đập để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tỷ lệ người dân đô thị, nông thôn được cung cấp, sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động lập, phê duyệt quy hoạch phát triển rừng bền vững và phân vùng quy hoạch trồng lim, giổi, lát, cây gỗ lớn, cây bản địa, trong đó xác định cụ thể lộ trình thực hiện Đề án trồng cây gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn. Đặc biệt, các đơn vị ngành Than cũng có nhiều giải pháp sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, trong đó có công tác hoàn nguyên môi trường bãi thải mỏ. Ðến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường của ngành Than tại Quảng Ninh đạt hơn 1.200ha. Dự kiến đến năm 2025, mỗi năm, ngành Than phủ xanh thêm 1.000ha và sẽ kết thúc đổ thải ở các bãi đổ thải ngoài có hướng về các khu đô thị và quốc lộ 18A để trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, góp phần cùng tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”…
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phát triển lâm nghiệp bền vững, ngày 29/3 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hoàn thành kiểm kê rừng để xác định rõ mục tiêu quản lý các loại rừng, bóc tách 100% diện tích đất khác trong 3 loại rừng để xác định rõ không gian phát triển lâm nghiệp; phấn đấu trồng rừng tập trung trên 13.200ha, trong đó trồng 1.000ha lim, giổi, lát; có 50/50 chủ rừng là tổ chức hoàn thành xây dựng và tổ chức hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho khoảng 20.500ha rừng trồng sản xuất…
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy ký văn bản số 784/UBND-KTTC (ngày 4/4/2024) về việc đăng ký hưởng ứng trồng rừng lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, yêu cầu, đề nghị các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đóng góp nguồn lực để trồng 1.448,5ha lim, giổi, lát trong năm 2024; góp phần hoàn thành mục tiêu trồng 5.000ha lim, giổi, lát đã đề ra. UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát diện tích, huy động nguồn lực, phân công nhiệm vụ theo dõi, vận động cán bộ, nhân dân tham gia trồng lim, giổi, lát. Trong đó, lấy kết quả thực hiện lim, giổi, lát là tiêu chí quan trọng đánh giá kết quả hoàn thành công việc của cán bộ, đảng viên được phân công… Cùng với đó, Ban Quản lý KKT tỉnh vận động doanh nghiệp trong các KKT, KCN đăng ký trồng rừng lim, giổi, lát. MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội vận động đến đoàn thể, hội viên, đoàn viên tham gia trồng lim, giổi, lát…
Với nỗ lực trên, Quảng Ninh giữ vững vị trí là địa phương nằm trong nhóm có diện tích rừng lớn và đạt tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (55%); chất lượng rừng được cải thiện, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn đứng đầu khu vực phía Bắc. Giai đoạn 2020-2023, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn đạt trên 52.000ha, trong đó diện tích lim, giổi, lát đã trồng trong 3 năm là trên 3.500ha. Trong quý I/2024, toàn tỉnh đã trồng được 3.551,5ha rừng tập trung, trong đó trồng trên 187ha lim, giổi, lát.