Sau nửa ngày làm việc khoa học, khẩn trương, nghiêm túc, tập trung, dân chủ, thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri, nhân dân toàn tỉnh, Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV đã thành công tốt đẹp. Các nguồn lực, chính sách cấp bách đã được quyết nghị tại Kỳ họp, là “trợ lực” quan trọng để người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, vực dậy ổn định cuộc sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
1.000 tỷ khắc phục thiệt hại
Cơn bão số 3 (Yagi) với cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền ở nước ta với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người, tài sản, cây trồng vật nuôi, các hạ tầng kinh tế; ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính gần 25.000 tỷ đồng, chiếm 1/2 tổng thiệt hại của cả nước. Đây là thiệt hại hết sức nặng nề và đau xót, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Trước những thiệt hại rất lớn do cơn bão số 3 gây ra, với tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm rất cao, sự chủ động, quyết liệt, nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã tập trung cao nhất, với tinh thần khẩn trương nhất để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách thần tốc, hiệu quả, nhanh chóng tập trung khắc phục hậu quả và sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Bên cạnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão số 3, tỉnh đã nhanh chóng nghiên cứu xây dựng một số chính sách khẩn cấp theo thẩm quyền của HĐND tỉnh và thông qua tại Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, khắc phục hậu quả, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão.
Dù thời gian chuẩn bị ngắn, cấp bách, khối lượng công việc nhiều, nhưng những nội dung được đưa ra tại Kỳ họp được chuẩn bị rất chu đáo, thẩm tra kỹ lưỡng, thể hiện được tinh thần, trách nhiệm của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bày tỏ quan điểm về các chính sách được đưa ra tại kỳ họp lần này, đại biểu Vũ Thị Diệu Linh, Trưởng Ban VH-XH, Tổ trưởng Tổ đại biểu TX Quảng Yên, cho rằng: Các dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp này được các đại biểu tập trung nghiên cứu và dành sự quan tâm thảo luận, nhất là các cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân sau cơn bão số 3. Những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, thực sự cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như tình hình thực tiễn của tỉnh, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội.
Các nội dung được trình tại Kỳ họp nhận được sự thống nhất cao của các đại biểu, nhất là việc bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nêu trên và nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu bù mặt bằng chi cho tỉnh Quảng Ninh để khắc phục hậu quả bão số 3 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cùng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm động viên, chia sẻ những mất mát của người dân, doanh nghiệp do cơn bão số 3 gây ra và hỗ trợ một phần để người dân, doanh nghiệp sớm ổn định cuộc sống, như: Hỗ trợ về nhà ở, nâng mức bảo trợ xã hội, miễn học phí cho học sinh, công tác hỗ trợ trục vớt tàu, thuyền bị chìm do bão số 3.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Tổ đại biểu Tiên Yên- Bình Liêu-Ba Chẽ, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, khẳng định: Việc tổ chức kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh để bàn và quyết định những cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực để khẩn trương, kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão số 3 là hết sức cần thiết và thực sự ý nghĩa. Đặc biệt, việc thống nhất điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh đã phân bổ cho các đơn vị, địa phương do thực hiện tiết kiệm chi, đơn vị không còn nhu cầu hoặc không có khả năng thực hiện để bố trí kinh phí 1.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nêu trên và nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu bù mặt bằng chi cho tỉnh Quảng Ninh để khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Cử tri, nhân dân trong tỉnh hết sức vui mừng trước sự quan tâm kịp thời của tỉnh.
Đại biểu Vũ Đình Nhân, tổ đại biểu TP Cẩm Phả, Trưởng phòng Nội vụ TP Cẩm Phả, cho biết: Cùng với các chính sách hỗ trợ theo quy định của trung ương, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh là hết sức kịp thời và cần thiết để ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tôi mong muốn sau khi nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh nhanh chóng chỉ đạo các ngành, cơ quan chức năng khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, quy trình và thủ tục hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc áp dụng. Đồng thời, đảm bảo chính sách hỗ trợ được thực hiện kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng bị ảnh hưởng, phù hợp với quy định của pháp luật.
Sớm trở lại những ngày tươi sáng
Kỳ họp HĐND tỉnh đã thông qua 5 nghị quyết với sự đồng thuận của 100% đại biểu HĐND tỉnh. Các chính sách được đưa ra đều lấy nhân dân làm chủ thể, tất cả đều vì sự ổn định cuộc sống của nhân dân. Điển hình: Biện pháp hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh trong năm học 2024-2025. Chính sách kịp thời chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh để các nhà trường duy trì sĩ số, nền nếp chuyên cần. Đây là lần thứ 3 chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh đã được HĐND tỉnh thảo luận, thông qua, ngày càng khẳng định sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo và động viên, khuyến khích học sinh phấn đấu, yên tâm học tập.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, hàng nghìn ngôi nhà tốc mái, hư hỏng hoàn toàn; hàng nghìn tàu thuyền bị lật, chìm… Việc thống nhất thông qua các biện pháp hỗ trợ xây nhà ở, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, với mức hỗ trợ chi phí xây dựng nhà ở mới là 100.000.000 đồng/hộ đối với hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục cần phải xây mới; 50.000.000 đồng/hộ đối với hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được; hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm do cơn bão số 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với mức hỗ trợ là 50.000.000 đồng/phương tiện tàu, thuyền đối với phương tiện có chiều dài từ 12m trở lên, 15.000.000 đồng/phương tiện tàu, thuyền đối với phương tiện có chiều dài từ 6m đến dưới 12m… góp một phần chi phí để các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Anh Đinh Văn Phẳng (huyện Cô Tô) cho biết: Cơn bão số 3 càn quét Cô Tô đã khiến cho chiếc tàu để đánh bắt thủy hải sản – phương tiện duy nhất để mưu sinh của gia đình bị đánh chìm. Gia đình tôi cũng rất khó khăn trong việc xoay sở tìm cách để trục vớt con tàu bởi chi phí rất lớn, vượt ngoài khả năng. Kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh đã thông qua chính sách hỗ trợ một phần chi phí trục vớt tàu phục vụ cho khai thác, phục vụ nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ven biển của tỉnh mà bị chìm do bão số 3 gây ra, những ngư dân như tôi thực sự rất cảm động và cảm ơn sự quan tâm của tỉnh. Dù chỉ là một phần nhưng giúp ngư dân có thêm chi phí để khắc phục thiệt hại sau bão, tiếp tục ra khơi bám biển, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ninh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 8/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh đã được thông qua với sự thống nhất cao của các đại biểu HĐND tỉnh. Mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh đã được nâng lên là 700.000 đồng/tháng (cao hơn mức Trung ương quy định) đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của tỉnh sau cơn bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 1 triệu người dân Quảng Ninh, trong đó có 46.000 người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, nguồn thu nhập chính là trợ cấp xã hội hằng tháng. Qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tỉnh đối với các nhóm đối tượng khó khăn, góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung, của các đối tượng bảo trợ xã hội nói riêng ngày càng được nâng lên.
Hơn 1.000 tỷ đồng cùng các cơ chế, chính sách chính sách, biện pháp quan trọng khẩn cấp được quyết nghị là trợ lực quan trọng để hỗ trợ kịp thời, giúp người dân, doanh nghiệp sớm vực dậy sau bão. Để các chính sách được thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất, đến đúng với đối tượng bị ảnh hưởng, cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn tỉnh.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ sau Kỳ họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vi Ngọc Bích, đề nghị: Thời gian còn lại của năm 2024 còn rất ít, trong khi khối lượng công việc thường xuyên rất lớn và nhiều việc trọng tâm, cấp bách phải triển khai đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024; phải tiếp tục phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đoàn kết, sáng tạo, “Kỷ luật và Đồng tâm”, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tự lực, tự cường gắn với phát huy giá trị văn hóa con người Quảng Ninh để chung tay khắc phục nhanh và sớm nhất những thiệt hại do bão số 3 gây ra, đưa các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững vị trí, vai trò là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.