Kinh tế tập thể (KTTT) là nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao gồm: Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX… Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển KTTT. KTTT đã từng bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Để tạo điều kiện cho KTTT phát triển, tháng 7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững. Tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa để HTX chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của các HTX; thực hiện đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển HTX.
Tỉnh gia tăng, thu hút, vận động các HTX, tổ hợp đầu tư, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 40 chuỗi liên kết với 26 HTX tham gia. Trong đó, nhiều HTX đã liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Dương (TX Đông Triều) liên kết với Công ty TNHH OISY đầu tư sản xuất và tiêu thụ khoai tây với diện tích rộng 40ha; HTX Dịch vụ chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) liên kết với Công ty CP Than Mạo Khê cung cấp rau, gạo, trứng, thịt, cá an toàn cho bếp ăn Công ty; Liên hiệp HTX Nông dược Quảng Ninh (TP Hạ Long) liên kết với Công ty CP Sachainchi Việt Nam, Công ty Trà Tân Cương Hoàng Bình, Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh để cung cấp nguyên liệu, chế biến và kỹ thuật trồng trọt, chế biến sản phẩm bánh kẹo…
Anh Đặng Văn Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang, chia sẻ: Trước đây, HTX chủ yếu trồng các loại rau màu, cây ngắn ngày nhưng nhận thấy hiệu quả không cao. Tháng 11/2023, qua tìm hiểu và được sự hỗ trợ của huyện Đầm Hà về vay vốn, nguồn kinh phí đào tạo tập huấn, giống, phân bón vật tư… HTX đã chuyển sang trồng chanh leo với diện tích trên 3ha theo quy trình cây hữu cơ. Quá trình chọn giống, trồng, chăm sóc, cho đến thu hoạch, bảo quản chanh leo được cán bộ xã Đầm Hà phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện và liên kết trực tiếp với đơn vị thu mua là Công ty CP Sài Gòn – Gia Lai để tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm chanh leo được test đạt tiêu chuẩn không có 570 chất cấm nông nghiệp, bước đầu đảm bảo các điều kiện xuất khẩu. Việc phát triển KTTT, tạo liên kết, tạo chuỗi sản xuất đã giúp cho HTX chúng tôi nói riêng và các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung tạo được hướng đi mới, mở rộng cơ hội phát triển và tiêu thụ sản phẩm.
Với sự quan tâm của tỉnh trong phát triển KTTT từ hỗ trợ về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, vốn, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, tăng cường chuỗi liên kết…, số lượng HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã ngày càng lớn mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo được sự liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh phát triển được 821 HTX, 3 liên hiệp HTX hoạt động trên các lĩnh vực, thu hút 44.377 thành viên tham gia. Doanh thu, lợi nhuận của các HTX trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp trung bình đạt 850 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 150 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh có 215 tổ hợp tác, 2 liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp; 230 trang trại. Doanh thu bình quân của mỗi tổ hợp tác đạt 850 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân thành viên đạt 150 triệu đồng/năm.
Việc hình thành các chuỗi liên kết đã giúp các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, tăng tính bền vững và phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, để các chuỗi liên kết ngày càng phát huy được hiệu quả, đa dạng hơn, thì cũng rất cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa cho khu vực này. Hiện trong phát triển liên kết các HTX vẫn còn gặp phải những khó khăn cần được tháo gỡ, giải quyết như: Chuỗi liên kết trong HTX vẫn còn manh mún, lỏng lẻo theo hình thức “thuận mua, vừa bán”; nhận thức của người dân, doanh nghiệp về KTTT còn chưa cao; nhiều HTX có quy mô nhỏ; nhân lực phát triển, quản lý trong các HTX chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…
Để tiếp tục đẩy mạnh và phát huy được vai trò của KTTT trong sự phát triển chung, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của KTTT. Các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác nắm bắt, trao đổi thông tin, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tổ chức KTTT; đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là với các HTX, tổ hợp tác làm ăn hiệu quả gắn với chuỗi giá trị bền vững; tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; lựa chọn các mô hình trong các lĩnh vực để tham gia vào quá trình chuyển đổi số nhằm phát triển thành các mô hình HTX, tổ hợp tác điển hình, hiệu quả.