Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã tích cực, chủ động và nhanh chóng giải ngân các khoản vay ưu đãi. Nguồn vốn đã hỗ trợ cho hàng nghìn người dân và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn lực để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cùng điều kiện bất lợi từ môi trường khiến cho việc nuôi trồng thủy sản của gia đình chị Bành Thị Hiệp, khu Phú Thanh Đông (phường Yên Thanh, TP Uông Bí) gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chi phí về con giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi là số tiền không nhỏ. May mắn, gia đình chị được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TP Uông Bí tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng chương trình tín dụng chính sách ưu đãi cho vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Bằng số tiền này, chị đã có thêm đồng vốn để yên tâm phát triển sản xuất.
Chị Bành Thị Hiệp chia sẻ: Trang trại của gia đình tôi hiện có 10 ao nuôi tôm thẻ chân trắng và cá chạch. Ngoài các chi phí về giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, trang trại hiện đang tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương. Vì vậy, được vay nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi đã có thêm vốn để tiếp tục duy trì sản xuất.
Không riêng gia đình chị Hiệp, trên cơ sở rà soát đúng, đủ, chính xác các đối tượng, tính đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TP Uông Bí đã giải ngân cho 670 lượt người dân và cơ sở vay vốn với tổng số tiền là gần 72 tỷ đồng theo Nghị quyết 11/NQ-CP qua các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, cho vay nhà ở xã hội, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, cho vay đối với cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Với mục tiêu triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã kịp thời tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các tổ chức chính trị – xã hội và địa phương tập trung triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP. Trên cơ sở đó, các Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện đã tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP; tích cực phối hợp với các phòng, ban cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát đối tượng, tổng hợp nhu cầu vay vốn trên địa bàn; hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn nhanh chóng, đảm bảo tính kịp thời để triển khai cho vay theo quy định. Đồng thời, chủ động phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, tránh trục lợi.
Tính đến ngày 30/10, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh và các phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho 2.700 lượt khách hàng vay vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng số tiền 190 tỷ đồng; 987 lượt khách hàng vay cho vay nhà ở xã hội với tổng số tiền giải ngân 423,43 tỷ đồng; 286 lượt khách hàng vay vốn diện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến với số tiền giải ngân 12,8 tỷ đồng; 151 lượt khách hàng vay vốn cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tổng giải ngân số tiền 12,56 tỷ đồng. Nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời giúp người dân và cơ sở vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Mặc dù Nghị quyết 11/NQ-CP đã phát huy hiệu quả, nhất là trong giai đoạn khó khăn sau phục hồi đại dịch Covid-19, song nhu cầu vay vốn là rất lớn. Trong khi đó, nghị quyết này được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Do đó, Trung ương và địa phương cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn cho các chương trình đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương.