Trò chơi dân gian không chỉ tạo ra không khí vui tươi, náo nhiệt của ngày hội mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Quảng Ninh.
Các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo, ném còn, đánh quay… thường được tổ chức xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội tạo không khí vui tươi, sôi nổi.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, cho biết: Trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc Quảng Ninh thể hiện sự đa dạng phong phú trong bản sắc văn hoá. Qua thời gian, sự giao thoa văn hóa, sự sáng tạo của cộng đồng, các trò chơi cũng có những sự thay đổi trong cách thức tổ chức, hình thức thực hiện, luật chơi, song hầu hết đều vẫn thể hiện tính tập thể, đoàn kết, sự khéo léo của người chơi, chứa đựng những tri thức dân gian đặc sắc.
Ở Quảng Ninh có nhiều trò chơi dân gian như nhảy sạp, đi cà kheo, cừ cáy, cừ pộc hay đánh đu… với sắc màu đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số, các trò chơi dân gian cũng mang đậm dấu ấn văn hóa các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu và Sán Chay. Độc đáo nhất có thể kể đến trò chơi đánh con quay. Trò chơi đánh con quay của đồng bào Tày, đồng bào Sán Chỉ không chỉ thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong lao động sản xuất mà còn là ngày hội để bà con dân bản được giao lưu gặp gỡ cùng cầu chúc mọi điều tốt lành, sức khỏe, bình an và sung túc.
Khi xưa chưa có máy móc hỗ trợ, việc làm con quay rất vất vả và mất nhiều thời gian để chọn gỗ, xẻ nhỏ rồi gọt, giũa, mài nhẵn đều là dùng dao tỉa tót từng chút một. Gỗ làm con quay từ cây dẻ đá có chất gỗ cứng, dẻo và bền chắc. Tiện con quay phải tạo ra độ thăng bằng thì khi đánh, con quay mới đi xa và tạo thời gian quay lâu, bền trên tấm ván…
Ngoài ra bộ đánh quay còn có dây đánh quay dài từ 6-8m (làm bằng dây dù có độ bền, chắc và trơn, được nối với một đoạn păng (hay còn gọi là gậy păng) làm bằng trúc rừng hoặc cây tre mai hay còn gọi là tre gai. Mỗi con quay hoàn chỉnh sẽ có trọng lượng từ 3-4kg, đường kính từ 20-24cm, độ dày 6cm.
Luật chơi đánh quay rất đơn giản, người chơi thường quấn theo chiều tay thuận của mình để có thể đánh con quay mạnh và lật đổ đối phương. Mỗi lần con quay được văng ra thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong bản. Nếu con quay của đội nào quay càng lâu trên miếng ván làm bằng gỗ rừng ít nhất từ 10-15 phút thì đội đó sẽ là người chiến thắng.
Không chỉ tổ chức ở các lễ hội, trò chơi dân gian còn diễn ra ở nhiều nhà văn hoá, khu bảo tồn văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhiều nhà văn hoá xã được đầu tư xây dựng quy mô như: Khu bảo tồn văn hoá người Dao ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long), Nhà văn hoá người Sán Chỉ xã Đại Dực, khu bảo tồn văn hoá dân tộc Tày ở thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên), Nhà văn hoá xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu), Nhà văn hoá dân tộc Sán Dìu, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn).
Trò chơi dân gian của các dân tộc Quảng Ninh có giá trị lịch sử văn hóa được lưu truyền qua các thế hệ đã có nhiều biến thể để phù hợp hơn với đời sống xã hội. Đây là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều thế hệ tạo sợi dây gắn kết giữa các thế hệ trong cộng đồng làng bản. Trước bối cảnh bùng nổ nhiều loại hình giải trí hiện đại, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc Quảng Ninh vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng, là nét đẹp văn hóa trong các lễ hội truyền thống, nhằm góp phần nâng cao thể chất, giáo dục ý thức gìn giữ bản sắc, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.