Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong đó, sản xuất lúa gạo có diện tích đất canh tác giảm rõ rệt, tình trạng hạn hán và sâu bệnh gia tăng, lượng chất thải và khí thải phát sinh gây áp lực cho môi trường. Thực tế này đòi hỏi những nỗ lực lớn để đẩy mạnh xanh hóa đồng ruộng, đảm bảo an ninh lương thực và thu nhập bền vững cho bà con.
Sản xuất lúa trên địa bàn Quảng Ninh thời gian qua đang có sự thay đổi đáng kể từ chuyển dịch cơ cấu giống. Lúa chất lượng đang dần thay thế lúa lai, đóng vai trò chủ lực trên đồng ruộng. Hướng đi này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng, góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất lúa, gạo chất lượng cao.
Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với một số địa phương triển khai mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao Japonica (J02) của Nhật. Cụ thể, năm 2022, mô hình sản xuất lúa J02 được triển khai tại các địa phương: Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái với diện tích 55ha. Năm 2023, trồng thí điểm tại Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà. Kết quả cho thấy, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian sinh trưởng từ 130-145 ngày; thân cứng, tỷ lệ hạt trên bông nhiều, trọng lượng hạt lớn, hạt gạo tròn, giàu dinh dưỡng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Vụ xuân hè năm 2024, xã Đường Hoa (huyện Hải Hà) gieo trồng 50ha giống lúa J02 theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ chủ động cải tạo đất, bón phân hợp lý và thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, nên lúa đạt năng suất trung bình 63 tạ/ha. Lợi nhuận thu được đạt gần 30 triệu đồng/ha, cao hơn so với các giống lúa chất lượng khác trồng tại địa phương. Giá gạo J02 tại thời điểm thu hoạch khoảng 24.000 đồng/kg, được thị trường đón nhận.
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Đường Hoa, cho biết: Năm 2022, giống lúa J02 được triển khai sản xuất với diện tích ban đầu 25ha. Đây là giống lúa có chất lượng và năng suất tốt, phù hợp thổ nhưỡng. Huyện sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng diện tích lúa J02 trên địa bàn.
Ngoài nghiên cứu chuyển đổi các giống lúa chất lượng cao, việc áp dụng các kỹ thuật trồng, chăm sóc tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính cũng được quan tâm. Theo các chuyên gia, nguồn phát thải khí nhà kính từ hoạt động trồng lúa chủ yếu là CH4 (metan), sinh ra do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị tưới ngập nước. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ các loại phụ phẩm trồng trọt như rơm rạ sau khi thu hoạch bị đốt trực tiếp ngoài ruộng, lượng phân bón thất thoát không được cây trồng hấp thu và lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học bám dính tồn dư trong vỏ bao gói sau sử dụng… cũng làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất…
Mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ và canh tác lúa cải tiến, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước được xem là những giải pháp hiệu quả. Tại huyện Tiên Yên có 6 xã: Đông Hải, Đông Ngũ, Tiên Lãng, Hải Lạng, Đồng Rui và Yên Than đã áp dụng quy trình kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đối với cây trồng chủ lực là cây lúa. Biện pháp canh tác tiên tiến được áp dụng nông – lộ – phơi/ướt khô xen kẽ. Tỷ lệ diện tích cây trồng cây lúa của 6 xã trên được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là 1.145/2.617,7ha (đạt 43,74%). Trong đó, xã Đông Ngũ có tổng diện tích cây chủ lực áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước là 300/683ha, đạt 43,93%.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Thực hiện chiến lược của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động rà soát các lĩnh vực sản xuất chính gồm trồng trọt, chăn nuôi. Mục tiêu đến năm 2030 chỉ tập trung vào các giống lúa chất lượng cao, cùng với đó thực hiện nhiệm vụ canh tác lúa giảm phát thải ở khu vực phía Đông của tỉnh. Trên cơ sở đánh giá sản lượng các vụ lúa, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát diện tích đất canh tác, hệ thống cấp nước tưới, chất lượng dinh dưỡng của đất, trình độ canh tác của bà con để xây dựng dự án trồng lúa giảm phát thải. Dự kiến đến năm 2027, đưa ra hướng canh tác, sản xuất lúa gạo bền vững”.
Hiện tại, các địa phương tiếp tục tăng cường nguồn lực hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường tuyên truyền cho người dân về lợi ích của sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng bền vững, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Qua đó, góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, từng bước khắc phục các bất cập trong sản xuất lúa gạo của tỉnh hiện nay, như vẫn sử dụng nhiều hoá chất để làm cỏ và bón phân cho lúa, nhiều diện tích bỏ hoang, sử dụng nước chưa hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, xử lý rơm rạ chưa đúng cách…