Chiều 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá kết quả công tác CCHC năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2024. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành liên quan.
Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác CCHC của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên tất cả các nội dung. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Trong năm, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 28,59% và tại các địa phương đạt 39,48%; 100% bộ, ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục TTHC đủ điều kiện trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để triển khai dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4% (tăng 1,4 lần so với năm 2022), địa phương đạt 37,4% (tăng 3,7 lần so với năm 2022); tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại các bộ, ngành đạt 45,22% và các địa phương đạt 26,86%…
Năm 2024, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tổ chức thực hiện nghiêm các Chương trình hành động của Chính phủ; tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Năm 2023, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả khả quan trong cải cách TTHC. Đến nay tỷ lệ TTHC được tích hợp từ Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 76%; tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình đạt trên 50%; trên 66% hồ sơ giải quyết TTHC được số hóa theo quy trình 5 bước; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 99,7%; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 80%; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt…
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra 44 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện CCHC triển khai trong toàn tỉnh. Hiện nay, Quảng Ninh đang tập trung xây dựng Trung tâm chuyển đổi số của tỉnh, vì vậy tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ sớm có chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai nội dung này trên toàn quốc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ CCHC trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2024 đã đề ra. Đồng thời, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm để triển khai hiệu quả công tác CCHC tại đơn vị. Chú trọng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp, khẳng định sự chủ động, sáng tạo trong sự nghiệp CCHC toàn diện.