Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhất là hậu quả dịch Covid-19 kéo dài, lạm phát tăng cao, rủi ro trên thị trường tài chính. Trong tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, địa phương cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã bám sát chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh để tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu ngân sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với tinh thần chủ động, quyết liệt.
Bám sát chủ đề công tác năm và cụ thể hoá nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, cuối năm 2022 tỉnh đã nhận định, nhận diện những lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt, cũng như những khó khăn, thách thức đan xen, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH với những mục tiêu cụ thể. Gắn liền với đó không ngừng phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, ý chí khát vọng vươn lên với tinh thần chủ động tìm hướng đi, cách làm và quyết tâm đổi mới. Đến nay, hơn nửa chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, Quảng Ninh đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế của tỉnh tăng rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. 7 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao với 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022. Quảng Ninh đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng (sau TP Hải Phòng) và đứng thứ 4 cả nước.
Trong đó, dịch vụ, du lịch ngày càng khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Với mục tiêu phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đưa vào hoạt động nhằm tăng mức chi tiêu và doanh thu du lịch. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND (ngày 8/3/2023) về kịch bản tăng trưởng lĩnh vực du lịch năm 2023 với 136 chương trình, sự kiện, mục tiêu thu hút 15 triệu lượt khách đến Quảng Ninh.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện lớn, góp phần thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển mạnh nền kinh tế, điển hình như: Carnaval Hạ Long 2023, Tuần Du lịch hè Hạ Long 2023, Liên hoan các ban nhạc trẻ toàn quốc, Festival Diều biển quốc gia, Liên hoan ẩm thực, Chào hè Hạ Long và các hoạt động sự kiện văn hoá, thể thao thường niên tại các địa phương trong tỉnh.
Đặc biệt, tháng 4/2023, đã khai trương đường bay Quảng Ninh – Cần Thơ và ngược lại. Đường bay không chỉ mở ra “cánh cửa” kết nối giữa 2 địa phương, mà còn tạo tiền đề phát triển, thúc đẩy khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế liên kết vùng cả về phát triển du lịch, giao thương giữa Vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Từ khi khai trương đến nay, đường bay Quảng Ninh – Cần Thơ đạt 92 lượt cất, hạ cánh, với 12.697 lượt khách và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 76% trên mỗi chuyến.
Song song với đó, Quảng Ninh cũng có nhiều chương trình thúc đẩy liên kết, quảng bá sản phẩm đặc sắc của địa phương. 7 tháng năm 2023, tỉnh đã tổ chức thành công 11 Hội chợ OCOP, Hội chợ OCOP kết hợp thương mại, Hội chợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thu hút gần 100.000 lượt khách tham quan, mua sắm với doanh thu đạt gần 24,9 tỷ đồng. Mới đây, từ ngày 27/7 đến 1/8/2023 tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh đã diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023, thu hút trên 48.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu đạt gần 14 tỷ đồng.
Đa dạng trong tổ chức các hoạt động đã góp phần quảng bá sản phẩm địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước; góp phần làm hấp dẫn, phong phú hơn cho du lịch Quảng Ninh… Trong 7 tháng năm 2023, tổng doanh thu du lịch của tỉnh đạt 20.985,6 tỷ đồng, gấp 1,66 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Bám sát chủ đề công tác năm 2023 về “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư”, các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường quán triệt, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ đầu năm đến nay, tỉnh tổ chức làm việc với nhiều đoàn công tác nước ngoài, trong đó có Liên đoàn doanh nghiệp Singapore và gần 30 doanh nghiệp Singapore tham quan, tìm hiểu môi trường đầu tư, cơ hội đầu tư; làm việc với đoàn Văn Phòng Xúc tiến đầu tư Thái Lan và khoảng 30 doanh nghiệp Thái Lan tới tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục xây dựng Đề án thu hút nhà đầu tư FDI lớn, có thương hiệu vào tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tính đến nay, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt 724,63 triệu USD. Tổng vốn thu hút trong nước ngoài ngân sách đạt trên 45.304,26 tỷ đồng. Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ 2 giữ vững vị trí đừng đầu cả 4 chỉ số quan trọng (PCI, PAR – Index, PAPI, SIPAS). Đây là sự đánh giá khách quan, niềm tin, sự ghi nhận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã đánh giá cao sự quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2023 để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công; rà soát khó khăn, giải quyết triệt để các vấn đề, tìm ra giải pháp để tăng thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công…