Trekking là một hình thức du lịch dã ngoại đi bộ đường dài và khám phá thiên nhiên đang được nhiều du khác yêu thích. Nắm bắt nhu cầu này, Bình Liêu đang đưa trekking thành một sản phẩm du lịch mới trong năm 2024. Huyện đã kết nối, đưa đoàn famtrip gồm các công ty lữ hành chuyên đưa khách du lịch quốc tế vào Việt Nam tới khảo sát cung trekking Sông Moóc – Khe Tiền và kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm du lịch tiêu biểu hút khách quốc tế, đặc biệt là những vị khách phương Tây về với Bình Liêu.
Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa thu đông hàng năm, du khách lại đổ về huyện miền núi, biên giới Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh để được check-in bên đồi cỏ lau trắng muốt, những ruộng bậc thang lúa chín vàng hay ghé thăm những bản làng của người Dao ở các thôn, như Sông Moóc hay Khe Tiền, những thôn cao nhất và xa nhất.
So với các loại hình du lịch bằng ô tô hay xe máy, trekking là loại hình du lịch chậm, đòi hỏi người tham gia phải có sức khỏe. Loại hình du lịch khám phá này đặc biệt được những du khách phương Tây, Hàn Quốc và Nhật Bản yêu thích vì trekking vừa cung cấp một cái nhìn cận cảnh hơn, vừa cho cảm giác hòa mình với môi trường thiên nhiên, văn hóa của điểm đến hơn. Đồng thời, trekking cũng thỏa mãn đam mê khám phá, tìm hiểu những vùng đất hoang sơ của du khách.
Là một trong những vị khách nước ngoài đầu tiên khám phá cung đường trekking từ thôn Sông Moóc tới thôn Khe Tiền, thuộc xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, ông Alexandre Betrand, du khách Pháp, không khỏi ngạc nhiên: “Tôi thích phong cảnh thiên nhiên nơi đây. Những ruộng lúa chín vàng thơ mộng, những cung đường nhỏ bé, quanh co, len lỏi trên bờ ruộng. Đặc biệt, tôi rất thích nét văn hóa dân tộc độc đáo ở đây. Quả là một trải nghiệm tuyệt vời và khó quên”.
Chỉ dài tầm hơn chục km, có thể hoàn thành trong 4 đến 6 tiếng, cung đường trekking tại Đồng Văn được đánh giá là vừa sức với nhiều du khách. Cung trekking đi qua vùng cảnh quan thiên nhiên, văn hóa rất đa dạng từ ruộng lúa đến đường dân sinh, đi vào rừng hồi, rừng quế, qua những con suối uốn quanh bản làng, qua sân nhà mà người dân đang phơi sắn; qua những ngôi nhà trình tường đất đỏ hàng chục năm tuổi… Trekking ở Đồng Văn mang tới trải nghiệm đa giác quan cho du khách.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty Esy Ways travel, chia sẻ: Khi đi qua những cánh rừng hồi, hương hoa hồi thơm ngát với những bông hoa hồi nhỏ xíu, rất xinh xắn, thêm vào đó là cái nắng thu, lá xào xạc thật sự tạo thành một bản nhạc thu êm đềm. Với cung trekking này, chúng tôi hoàn toàn có thể chào bán cho các du khách quốc tế như khách Pháp. Họ sẽ rất thích. Khách có thể đi trong ngày hoặc nghỉ lại Bình Liêu một đêm. Nếu có thêm các hoạt động trải nghiệm làng nghề và các chương trình văn hóa, nghệ thuật dân tộc thì việc du khách kéo dài thời gian lưu trú là hoàn toàn khả thi.
Trekking tại Đồng Văn là một trong hai sản phẩm du lịch mới và huyện Bình Liêu đăng ký với tỉnh đưa vào phục vụ du khách trong năm 2024. Đoàn famtrip khảo sát sản phẩm do UBND huyện Bình Liêu phối hợp với Công ty TNHH Du lịch cộng đồng Bình Liêu tổ chức vào trung tuần tháng 10/2024, gồm hơn 50 đơn vị lữ hành inbound chuyên đưa khách quốc tế vào Việt Nam. Để chuẩn bị cho đoàn khảo sát, UBND huyện Bình Liêu đã chỉ đạo Phòng VHTT và UBND xã Đồng Văn phối hợp với bà con thôn, bản dọn vệ sinh môi trường dọc các tuyến trekking và thông tin cho bà con về cuộc khảo sát. Ông Tăng Văn Dào, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu cho biết: “Khi được thông tin về chương trình famptrip của đoàn du lịch, bà con rất ủng hộ. Không chỉ tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường, mọi người còn rất phấn khởi tham gia vào việc dẫn đoàn, hướng dẫn đường cho đoàn khảo sát”.
Dự kiến trong tháng 11 tới, sẽ có những đoàn khách quốc tế đầu tiên tới Bình Liêu theo sự kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành inbound sau chuyến famtrip này. Với nỗ lực của huyện Bình Liêu, sự tâm huyết, nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp, một sản phẩm du lịch mới đặc sắc và bền vững đã được hoàn thiện, hứa hẹn khai thác lợi thế du lịch thiên nhiên, văn hóa của Bình Liêu, giúp huyện về đích mục tiêu đón 250.000 lượt khách trong năm 2024 và hướng tới trở thành trung tâm du lịch cộng đồng của tỉnh.