Ngày xuân ai ai cũng muốn du xuân tới những địa chỉ linh thiêng, di tích, danh thắng đền chùa để chiêm bái, cầu cho một năm mới bình yên, may mắn. Đi lễ đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa, thế nhưng cũng có nhiều chuyện khiến khách thập phương khó xử.
Câu chuyện đầu năm
Không chỉ thỏa ước nguyện tìm về chốn bình an, thanh tịnh, đi lễ đầu xuân còn là nhu cầu của đông đảo nhân dân về tín ngưỡng, tâm linh, cầu phúc, cầu may, cầu tài, cầu lộc, cầu sự hanh thông. Nhân dịp đầu năm, chị Tô Thị Minh Tâm (phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) có chuyến hành hương về với đền Bảo Hà – ngôi đền linh thiêng bên bờ sông Hồng thuộc tỉnh Lào Cai vào ngày mùng 4 Tết.
Vừa tới đền, loay hoay tìm bãi đỗ xe thì được nhiều thanh niên đứng giữa đường liên tục mời chào đỗ xe miễn phí với lý do: “bãi đỗ xe phía trên đã bị giải tỏa”. Khi lắc đầu từ chối sử dụng dịch vụ, lập tức chị và gia đình nhận được câu nói không mấy hay ho: “Ăn phải đồng hồ quả lắc hay sao mà lắc mãi thế”.
Đi lễ đầu xuân trở thành nét đẹp nhưng cũng có thể là nỗi lo, có những “hạt sạn” trên đường hành hương làm chị Tâm cùng nhiều khách hành hương phải lo ngại.
Cũng mới đây, không ít du khách du xuân tại Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên) bị mất trộm tài sản do nhóm Nguyễn Văn Toàn (trú tại phố Tiền Giang, phường Lê Lợi, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cùng nhóm nữ quái 3 người chuyên trộm cắp, móc túi ở lễ hội này.
Câu chuyện văn minh ở mỗi địa điểm lễ hội luôn là đề tài nóng mỗi dịp đầu năm. Rất nhiều du khách cảm thấy mệt mỏi với cảnh chèo kéo gửi xe, khấn thuê, đội lễ ở nhiều di tích. Những “hạt sạn” dù rất nhỏ này làm mất đi sự tôn nghiêm của điểm đến khiến du khách mất đi sự thoải mái khi hành hương chiêm bái đầu năm. Thế nhưng, nhiều người dân và du khách thập phương du xuân, trảy hội ở các lễ hội xuân lớn ở Quảng Ninh lại cảm thấy khá ấn tượng với những lễ hội ở đây, như đền Cửa Ông, Yên Tử…
Quay trở lại với nhiều lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh, ấn tượng chung của nhiều khách thập phương sau những ngày hành hương đi lễ đầu năm là sự an tâm, sự hài lòng với quy cách tổ chức lễ hội của tỉnh nhà.
Với lễ hội Yên Tử, vừa chính thức khai hội ngày 19/2 (tức mùng 10 Tết Giáp Thìn), đa phần du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất Phật non thiêng với những hàng tùng cổ thụ, rừng trúc mà cảm thấy khá hài lòng về công tác tổ chức. Chị Nguyễn Thị Hải, trú tại phường Hoành Bồ, TP Hạ Long chia sẻ: Du xuân vào mùng 7 âm lịch, chúng tôi có chuyến hành hương chiêm bái đến với Yên Tử dù khách rất đông nhưng tôi và gia đình vẫn cảm nhận trọn vẹn sự linh thiêng, vẻ đẹp của non thiêng Yên Tử. Đi du xuân nhiều năm ở nhiều địa phương, tôi thấy ấn tượng với ANTT, ATGT, dịch vụ kèm theo đều được ban tổ chức lễ hội làm khá tốt. Du khách hành hương an tâm chiêm bái hành hương về miền đất Phật.
Điều du khách chưa hài lòng chỉ là những “hạt sạn” nhỏ như việc: thiếu thùng rác; có thùng rác nhưng du khách lại không bỏ vào thùng hoặc nhét, xả rác ra ngoài; hoặc tình trạng xe điện đôi khi chạy quá nhanh, cáp treo quá tải cục bộ… do lượng khách đổ về tăng đột biến tại một thời điểm nhất định. Nhưng nhìn chung đa số du khách đều hài lòng với diện mạo di tích, công tác ANTT cũng như việc tổ chức dịch vụ phục vụ khách thập phương trong dịp đầu xuân mới.
Quảng Ninh có trên 100 lễ hội, trong đó phần lớn là lễ hội đầu xuân. Du xuân trảy hội đã trở thành thói quen, nét đẹp của người Việt. Và cũng chính vì thế, lượng khách du xuân, hành hương đổ về các lễ hội sẽ là áp lực không hề nhỏ với điểm đến, nhà tổ chức.
Văn minh từ những việc nhỏ…
Để có “điểm” trong lòng mỗi du khách về công tác tổ chức cũng như xây dựng nền văn minh trong mỗi lễ hội cần có sự quan tâm, phối kết hợp của cơ quan chức năng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhiều điểm đến, Ban Tổ chức lễ hội đã chú ý từ những chi tiết nhỏ là điều chúng tôi ghi nhận được trong quá trình du xuân ở các lễ hội lớn nhỏ trong toàn tỉnh. Gần nhất, trong lễ khai hội Yên Tử, nhiều du khách thập phương cảm thấy rất ấm lòng, thích thú khi được dự lễ khai hội tại Cung Trúc Lâm Yên Tử rộng rãi khang trang, sạch sẽ, trong khi trời đang đổ mưa khá dày phía ngoài.
Đa phần du khách cảm thấy khá hài lòng với các dịch vụ xe điện, điểm đỗ xe, sự hỗ trợ nhiệt tình của nhân viên an ninh, cáp treo. Anh Nguyễn Xuân Cường, du khách từ quận Lê Chân (Hải Phòng) ấn tượng bày tỏ: Sau một thời gian, Yên Tử có nhiều đổi thay, khang trang, sạch đẹp và thuận tiện. Điều khiến tôi rất ấn tượng là Ban Tổ chức lễ hội đã bố trí các hướng dẫn viên đứng thường trực ở các đoạn đường đông, ngã ba đường chỉ đường, hướng dẫn cụ thể cho khách phương xa. Chúng tôi đánh giá cao việc nhỏ nhưng thực sự chu đáo này.
Không chỉ vậy, đi trước đón đầu, để chuẩn bị cho mùa lễ hội đông nhất trong năm, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực. Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đơn vị kinh doanh các dịch vụ chủ đạo tại Yên Tử chia sẻ: Ngoài trang hoàng, tăng không khí xuân ở lễ hội, năm nay chúng tôi đã bố trí đủ lực lượng hướng dẫn viên, phối hợp rà soát, sửa chữa về cơ sở vật chất, đảm bảo sự an toàn, thuận lợi cho khách hành hương.
Được biết, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý hội xuân Yên Tử đã phối hợp hoàn thiện từ hệ thống biển chỉ dẫn, sơ đồ, biển báo cũng như toàn bộ hệ thống lan can trên tuyến đường hành hương, nhất là các đoạn dốc khúc khuỷu, gập ghềnh trên khu vực núi cao… Các đơn vị, địa phương liên quan trong khu vực Yên Tử cũng đã xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại các di tích của Yên Tử.
Với lễ hội đền Cửa Ông, không ít du khách cũng khá ấn tượng với một số điểm mới trong lễ hội đền như: Việc bố trí lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên miễn phí cho các đoàn, nhóm du khách; hoặc tổ chức viết thư pháp cho chữ du khách du xuân đầu năm. Đây là những việc nhỏ nhưng được du khách đánh giá cao.
Ông Bùi Xuân Hẹn, Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông-Cặp Tiên chia sẻ: Chúng tôi chuẩn bị lực lượng, phương án từ trong năm, nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho khách hành hương trải hội đền. Trong đó, đáng nói là việc dọn dẹp, bố trí lại không gian khu vực bán hàng, dành nhiều hơn không gian cho khách hành hương, phối hợp với phường Cửa Ông bố trí lực lượng trông xe.
Cũng theo ông Hẹn, ngoài ra, công tác tổ chức dịch vụ, đưa đón du khách được Ban Quản lý di tích quan tâm bằng việc lắp đặt 60 camera ở các địa điểm, góc độ để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho du khách. Phường Cửa Ông, các lực lượng chức năng TP Cẩm Phả sẽ hỗ trợ gỡ “điểm nghẽn” về giao thông, đặc biệt là khu vực đường vào, cửa đền; huy động lực lượng chức năng phối hợp cảnh sát giao thông điều tiết giao thông theo phương án một chiều, bố trí 3 bãi xe lớn trông giữ phương tiện, áp dụng vé điện tử nhanh gọn, chính xác…
Về vấn đề giải quyết ùn tắc cục bộ và vận chuyển hành khách đi cáp treo Yên Tử, theo đại diện Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đơn vị kinh doanh các dịch vụ thì hệ thống cáp treo sẽ được huy động hoạt động đủ công suất, tăng gấp đôi lượng vận chuyển những dịp cao điểm, đồng thời sẽ huy động thêm lực lượng đảm bảo, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách đi lại nhanh, thuận lợi.
Song song với đó, nhiều lễ hội vừa qua cũng được Thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao và các cơ quan chức năng thanh kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội sớm, để khắc phục những hạn chế. Lễ hội chùa Lôi Âm, lễ hội trên địa bàn TP Hạ Long và các lễ hội khác cũng được an ninh kiểm tra về đi lại, an toàn giao thông đường thủy…
Có thể nói, sự nỗ lực, quan tâm, bố trí của các đơn vị quản lý, các cơ quan chức năng đang dần khắc phục những nhược điểm, hạn chế bớt “sạn” ở các lễ hội xuân đông đúc, góp phần làm nên sự ‘văn minh” trong từng di tích, danh thắng.