Từ xa xưa, trò chơi dân gian là hoạt động không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về để gắn kết cộng đồng trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu năm mới. Kéo co, đánh quay, ném còn, bịt mắt bắp vịt… những trò chơi dân dã đã ăn sâu vào tiềm thức tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt. Tại Quảng Ninh nơi có 43 thành phần dân tộc cùng sinh sống, các trò chơi dân gian cũng vô cùng phong phú, đa dạng mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống được người dân gìn giữ, phát huy trong đời sống hiện đại hôm nay.
Không chỉ là Tết đoàn viên, dịp đầu xuân năm mới còn là mùa của những lễ hội. Trong dịp này, hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh đều tổ chức các lễ hội truyền thống với nhiều trò chơi dân gian thú vị, độc đáo. Mỗi địa phương sẽ tổ chức những trò chơi dân gian khác nhau theo văn hóa, đặc điểm của từng vùng miền. Song dù ở đâu, trò chơi dân gian đã thực sự là món ăn tinh thần, nét văn hóa truyền thống được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Một số trò chơi dân gian phổ biến mà mọi người đều biết và đều có thể chơi được có thể kể đến như: Trò chơi kéo co được biết đến vừa là trò chơi dân gian truyền thống, vừa là môn thể thao phổ biến tại Việt Nam không chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán mà còn là những dịp như hội làng hay những hoạt động vui chơi thường ngày. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa, kéo co còn là trò chơi đề cao tinh thần tập thể, sự đoàn kết của người chơi. Đẩy gậy cũng là một trong những môn thể thao truyền thống, thường được tổ chức vào dịp lễ hội đón năm mới. Không chỉ thu hút cánh mày râu, phụ nữ cũng tham gia với tinh thần thượng võ không thua kém.
Bên cạnh đó, mỗi vùng miền trong tỉnh cũng có những trò chơi dân gian đặc sắc riêng. Đến với những khu vực đồng bằng phía Tây của tỉnh trải dài từ TP Đông Triều, TP Uông Bí đến TX Quảng Yên, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc và văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không khí Tết Việt xưa cũng được tái hiện sống động với những trò chơi độc đáo như: Chơi pháo đất, chơi cờ người, bịt mắt đập niêu, chọi gà, đấu vật, đua thuyền…
Còn tại các huyện miền Đông của tỉnh từ Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu đến Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, nơi tập trung phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu… sinh sống, các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc như: Bắn nỏ, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo, ném còn, đánh quay, luôn được bà con hào hứng tham gia mỗi dịp vui chơi đầu xuân hoặc trong các dịp lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm.
Bà Chìu Móc Xênh, thôn Khe Lặc, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, chia sẻ: Các trò chơi dân gian thường không quá khó, dụng cụ cũng rất đơn giản, người dân có thể tự làm ra từ những vật liệu dễ kiếm nên hầu hết ai cũng tham gia được. Đẩy gậy, đánh quay, ném còn… là các trò chơi dân gian đã quen thuộc với người dân trong thôn, từ người già đến trẻ con đều có thể chơi được thành thục. Chính nhờ trò chơi dân gian mà mỗi dịp lễ hội trở nên rộn ràng, nhộn nhịp hơn.
Với mỗi trò chơi ở mỗi vùng miền đều có những quy luật riêng, mang sắc thái khác nhau nhưng đều chung mục đích là vui chơi giải trí, rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo và trên hết là sự gắn kết cộng đồng. Ngày nay, không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội, trò chơi dân gian còn được tái hiện trong các chương trình, hoạt động vui chơi, trải nghiệm văn hóa tại bảo tàng, trường học, khu vui chơi… Qua đó, góp phần gìn giữ, lưu truyền, giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho thế hệ trẻ đồng thời quảng bá, giới thiệu tới du khách bốn phương những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo đó, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm xây dựng, triển khai các dự án, đề án về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhằm huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn các trò chơi dân gian nói riêng và các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung. Đồng thời, dành nhiều nguồn lực, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục dựng, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia sinh hoạt, thụ hưởng văn hóa.
Việc tổ chức các trò chơi dân gian trong dịp lễ hội đầu xuân như một sự khẳng định sức mạnh trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày xuân, ngày khởi đầu của năm mới, của ước vọng, được hòa mình vào không khí sôi động của các trò chơi dân gian và gửi gắm ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, đủ đầy, bình an, mạnh khỏe là điều mà tất cả người dân mong muốn.