Tranh phụ nữ, trẻ em của họa sĩ Mai Trung Thứ có giá từ 80.000 đến 500.000 euro tại phiên đấu ở Pháp.
Tranh vẽ năm 1965 bằng mực và màu trên lụa, mô tả cảnh trẻ em chơi đùa trong không khí vui vẻ bằng nét vẽ đơn giản, gam màu tươi sáng.
Mai Trung Thứ (1906-1980) là họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Danh họa được mệnh danh là một trong “tứ kiệt trời Âu” của nền hội họa Việt Nam, cùng Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu. Phần lớn cuộc đời ông sống và hoạt động nghệ thuật tại Pháp. Tên tuổi ông gắn liền những tác phẩm tranh lụa về phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang màu sắc Á Đông.
Giai đoạn 1960-1965, họa sĩ cộng tác với Unicef trong chiến dịch Giúp đỡ tuổi thơ bất hạnh và xuất bản bưu thiếp bằng nhiều ngôn ngữ. Mai Trung Thứ từng tổ chức hai triển lãm cá nhân về đề tài này là Trẻ em của Mai Thứ (1964) và Thế giới thơ của Mai Thứ (1980).
Theo Aguttes, từ những năm 1970, Mai Trung Thứ dần đưa những sắc màu tươi sáng vào tác phẩm của mình. Trong một không gian, họa sĩ khắc họa trẻ em với nhiều hoạt động như: Tắm sông, trèo cây, chăm hoa.
Người phụ nữ trong tranh Mai Trung Thứ có dáng cao gầy, mái tóc đen, mặc trang phục truyền thống Việt, làm tôn lên vẻ dịu dàng, nữ tính.
Khi còn là sinh viên, ông bắt đầu vẽ thiếu nữ trên chất liệu sơn dầu – chuyên ngành học của ông, sau đó dần chuyển sang tranh lụa. Năm 1930, họa sĩ tốt nghiệp và chuyển về dạy học tại trường Quốc học Huế. Tại đây, tài năng của ông nở rộ với loạt tranh lụa vẽ phụ nữ.
Trong các bức họa của Mai Trung Thứ, các cô gái thường có vóc dáng mảnh mai, diện áo dài, tóc búi hoặc xõa. Năm 1967, họa sĩ tổ chức triển lãm cá nhân, chủ đề Phụ nữ dưới con mắt của Mai Thứ, được giới chuyên môn và công chúng đón nhận.
Mai Trung Thứ là một trong những tác giả người Việt có nhiều tác phẩm được đấu giá trên thị trường quốc tế. Trong đó, Chân dung cô Phương – đạt 3,1 triệu USD hồi tháng 4/ 2021 – lập kỷ lục tranh Việt. Tranh của danh họa từng được trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như Roma (1932), Milan và Naples (1934), Brussels (1936), San Francisco (1937).
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi từng cho rằng: “Tranh của Mai Trung Thứ ngày càng lên giá, người nào sở hữu tác phẩm là nắm trong tay một gia sản khổng lồ”‘.
Họa sĩ đã áp dụng kỹ thuật vẽ chân dung phương Tây, gợi vẻ đẹp của phụ nữ Việt trong tà áo dài, cùng cử chỉ cầm chiếc quạt đầy khéo léo. Bảng màu trong tranh gây ấn tượng với sắc cam của nền, màu đen của mái tóc, màu áo xanh nổi bật.