Trong “Killers of the Flower Moon”, tài tử Leonardo DiCaprio tiếp tục đóng chính. Màn trình diễn được đánh giá là “lột xác”, xóa bỏ hình ảnh quen thuộc của anh từ những bộ phim trước.
Killers of the Flower Moon (Tựa Việt: Vầng trăng máu) là dự án điện ảnh mới nhất của “đại thụ” Martin Scorsese – đạo diễn hàng loạt tác phẩm kinh điển như Taxi Driver (1976), Raging Bull (1980), Goodfellas (1990)… cũng là một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất còn sống.
Tên tuổi của Scorsese cùng sự góp mặt của 2 tài tử Robert De Niro và Leonardo DiCaprio giúp dự án được chú ý ngay từ lúc lên kế hoạch sản xuất năm 2018.
Đến khi ra mắt, phim gây choáng váng giới phê bình với một câu chuyện đầy sức nặng và diễn xuất ám ảnh của các ngôi sao. Phần lớn ý kiến cho rằng đây là ứng viên nặng ký, sẽ “càn quét” nhiều hạng mục tại mùa giải điện ảnh năm nay.
Trang sử đen tối của nước Mỹ
Chuyện phim dựa trên những sự kiện có thật, lấy bối cảnh thập niên 1920 tại Oklahoma, bang Osage (Mỹ). Khi đó, dân da đỏ ở đây tình cờ phát hiện mỏ dầu và bỗng trở thành những người giàu có nhất xứ cờ hoa.
Tình thế khiến một số kẻ nảy lòng tham, âm mưu chiếm đoạt tài sản của dân bản địa. Theo lời gợi ý của chú ruột William King Hale (Robert De Niro), Ernest (Leonardo DiCaprio) tiếp cận và làm quen Mollie (Lily Gladstone) – con gái của một gia đình da đỏ giàu có.
Trước anh chàng điển trai và ga lăng, Mollie nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy ái tình, không hề hay biết lễ cưới của mình chỉ là mắt xích trong một kế hoạch rùng rợn, được chuẩn bị bài bản.
Sau khi kết hôn, Mollie bắt đầu rơi vào giai đoạn đen tối nhất cuộc đời. Từng người thân trong gia đình cô lần lượt bị sát hại không rõ nguyên do, thậm chí tính mạng nữ chủ da đỏ cũng bị đe dọa nhưng cảnh sát không hề ra tay cứu giúp.
Kịch bản phim do Martin Scorsese chấp bút cùng biên kịch Eric Roth, chuyển thể từ cuốn sách phi hư cấu cùng tên của David Grann, phát hành năm 2017.
Cả phim lẫn sách đều lật lại một trang sử đen tối của nước Mỹ khi có đến hơn 80 người ở Osage bị giết nhưng chính quyền hoàn toàn phớt lờ, im lặng cho qua. Vụ thảm sát bí ẩn này cũng là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Qua đó, phim khắc họa nạn phân biệt chủng tộc, lật tẩy bản chất tội ác và sự tàn bạo của con người. Trước cám dỗ đồng tiền, nhiều người trở nên tha hóa, bất chấp mọi thủ đoạn để sát hại đồng loại mà không mảy may hối lỗi.
Tác phẩm của đạo diễn bậc thầy
Với kinh phí lên đến 200 triệu USD, Killers of the Flower Moon đắt đỏ hơn nhiều bom tấn Hollywood hiện tại. Quy mô đồ sộ của tác phẩm được thể hiện ở từng chi tiết nhỏ. Từ bối cảnh, phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… đều được chăm chút tỉ mỉ đến mức khó chê.
Bước sang tuổi 80, Martin Scorsese vẫn thể hiện sự sung sức với nghề. Ông khiến người xem choáng ngợp trước một câu chuyện lớp lang, nhiều nhân vật liên tục xuất hiện với lời thoại dồn dập nhưng nhịp phim chắc chắn.
Sự kỹ lưỡng của đạo diễn thể hiện từ khâu kịch bản được xây dựng cẩn trọng. Có rất nhiều bản nháp được chuẩn bị trước nhưng đều bị bỏ đi, bao gồm một kịch bản yêu cầu Leonardo DiCaprio đóng vai chính diện là điều tra viên.
Thách thức Scorsese đặt ra với bản thân là phải kể lại câu chuyện sát nhân có thật. Khán giả biết trước hung thủ lẫn kết cục từ đầu nhưng không thể rời mắt khỏi màn hình.
Thời lượng gần 3,5 tiếng (206 phút) là một yếu tố khiến nhiều người ngán ngẩm. Nhưng đó là khoảng thời gian đủ dài để nhà làm phim bóc tách tâm lý từng nhân vật, đặc biệt là mối quan hệ phức tạp giữa vợ chồng Ernest – Mollie.
Chuyện tình của họ mang hơi hướm bi kịch Shakespeare. Rốt cuộc, tình yêu không đủ mạnh để chiến thắng tất cả như cách mọi người hay mơ mộng. Để yêu Ernest, Mollie phải hy sinh nhiều thứ nhưng đổi lại chỉ là lừa lọc và dối trá.
Càng về cuối, khán giả sẽ thấy từng tình tiết trong phim ăn khớp với nhau chặt chẽ. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng câu chuyện có thể phát triển thành series vì còn nhiều tình tiết cần được đào sâu, giải đáp.
Diễn xuất đỉnh cao
Trong tác phẩm lần này, Martin Scorsese quyết tâm mời bằng được 2 “chàng thơ” gắn liền sự nghiệp đồ sộ của ông là Robert De Niro và Leonardo DiCaprio. Cả 2 đều là cộng sự thân thiết, từng tham gia nhiều dự án quan trọng của đạo diễn.
Trong phim, Leonardo DiCaprio gây bất ngờ khi hóa thân một nhân vật mà theo anh là rất “phức tạp”. Vai diễn “lột xác” gần như xóa bỏ hoàn toàn hình tượng quen thuộc của tài tử Titanic từ những bộ phim trước.
Bên cạnh vợ, Ernest là một người chồng bạc nhược, lừa dối cô hết lần này đến lần khác. Nhưng gã lại là một người cháu ngờ nghệch, trở thành con rối trong tay chú ruột, sẵn sàng làm công cụ nuôi dưỡng cái ác.
Robert De Niro khiến khán giả “sởn da gà” khi hóa thân người chú mưu mô, xảo quyệt. Một cái “đầu đầy sạn” được che đậy cẩn thận trong vỏ bọc tử tế, kẻ “sói già” chuyên làm chuyện tàn ác nhưng lấp liếm bằng lời nói thiện lương.
Diễn xuất của Robert De Niro và Leonardo DiCaprio đều ở mức thượng thừa, nhưng ấn tượng và ám ảnh hơn cả lại là màn hóa thân của Lily Gladstone – một nữ diễn viên ít danh tiếng lẫn kinh nghiệm hơn hẳn 2 đồng nghiệp.
Theo IMDb, Lily Gladstone là lựa chọn duy nhất cho vai Mollie. Đến Leonardo DiCaprio cũng phải ngợi khen bạn diễn và chia sẻ: “Bằng bản năng, Martin Scorsese biết ngay Gladstone là người cần tìm. Ông ấy cảm nhận được sự chân thật trong đôi mắt cô dù chỉ nhìn qua màn hình vi tính”. Tài tử cũng nhấn mạnh trong sự nghiệp, đạo diễn chưa từng chọn ai ngay lập tức ngay lần đầu gặp mặt.
Vốn là người Mỹ bản địa, Lily Gladstone gần như thấu hiểu những gì mà nhân vật phải chịu đựng. Cô sống trong thế giới của Mollie và lột tả trọn vẹn nỗi đau bị dồn nén hàng năm trời lên màn ảnh rộng.
Đến cuối cùng, điều gây bàng hoàng không phải kết cục của kẻ thủ ác, mà đó là ánh mắt đầy ám ảnh của Mollie khi nhiều lần phải bất lực trước sự nghiệt ngã của vòng quay số phận.