Là vùng đất giàu truyền thống, Tràng An (TX Đông Triều) được biết tới với lịch sử lâu đời, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, nơi đất sét, cao lanh “nở hoa” với nhiều thương hiệu gạch gốm nức tiếng.
Tràng An là một trong 21 xã, phường của TX Đông Triều, có diện tích 20km2. Đây là phường trung du, là miền quê đẹp, nằm trong vùng đất linh thiêng, có các di sản văn hóa thời Lý, Trần.
Thời xưa, Tràng An thuộc tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Trước năm 1945, Tràng An có 4 làng, cả xã có 15 dòng họ, trong đó có các dòng họ chiếm đa số như: Bùi, Lê, Nguyễn, Trần, Trịnh… Lớn nhất là dòng họ Bùi Tố ở thôn Hà Lôi Hạ 1. Là vùng đất văn vật, Tràng An có nhiều di tích lịch sử, cảnh đẹp nức tiếng.Trong đó có chùa Quỳnh Lâm, ngôi chùa đẹp nổi tiếng thời Lý – Trần, được ví là “danh lam cổ tự xứ Đông”. Đây chính là trung tâm đào tạo tăng tài của cả nước thời Trần, nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Ngoài chùa Quỳnh Lâm, Tràng An còn có chùa Sinh, được coi là “Bích Động thi xã” – nơi tọa đàm thơ của các thi sỹ nổi tiếng một thời; đền Sinh, nơi thờ bát vị hoàng đế triều Trần và chùa Tuyết, nơi nghỉ ngơi và là cửa ngõ trước khi vào Ngọa Vân và Yên Tử. Những di tích, thắng cảnh này thu hút hàng vạn Phật tử, du khách về trảy hội hàng năm. Phường còn có nhiều đình làng cao to, bề thế, rất tiếc đã bị hủy hoại theo thời gian và sự ác liệt của chiến tranh. Đến năm 1983, đền Sinh và chùa Tuyết được chuyển về xã An Sinh theo Nghị định của Chính phủ về phân cấp ranh giới hành chính.
Là mảnh đất giàu truyền thống, Tràng An cũng ghi dấu trong các thời kỳ kháng chiến, bảo vệ đất nước. Có vị trí giao thông thuận lợi, Tràng An trở thành con đường giao liên, điểm trung chuyển bảo vệ và đưa đón cán bộ thời chống Pháp; nơi tập kết đóng quân của các đơn vị quân đội trong thời kỳ đánh Pháp, Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Tràng An cũng là một trong những địa phương có chi bộ Đảng thành lập sớm vào năm 1947, chỉ sau chừng 2 năm sau khi chi bộ đầu tiên của huyện Đông Triều khi đó thành lập (cuối tháng 8/1945).
“Phát huy truyền thống, các thế hệ cán bộ, nhân dân ở Tràng An đã phát huy phẩm chất cần cù, chăm chỉ, sáng tạo xây dựng vùng đất Tràng An giàu truyền thống thành một phường giàu đẹp, phát huy thế mạnh kinh tế vốn có, thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn, đặc biệt ở lĩnh vực gạch ngói, gốm sứ… vốn là thế mạnh của vùng đất Đệ tứ Chiến khu” – bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch UBND xã Tràng An, chia sẻ.
Theo đó, ngoài thế mạnh nông nghiệp, hiện Tràng An đang phát triển kinh tế mạnh mẽ theo cơ cấu công nghiệp – xây dựng; dịch vụ – thương mại; nông – lâm – ngư nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đạt trên 13%, xây dựng nên vùng quê trù phú.
Ngày nay, không chỉ nổi tiếng là vùng đất nông nghiệp, Tràng An đang phát huy rất tốt thế mạnh ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, trụ cột thúc đẩy tăng trưởng KT-XH địa phương. Trong đó, nổi bật là việc phát huy thế mạnh các nguồn tài nguyên, đặc biệt là mỏ đất sét Tràng An ở địa phương. Đây là một trong những mỏ sét lớn, có diện tích khu vực khai thác rộng trên 20ha, có trữ lượng địa chất dồi dào, đạt khoảng 1,2 triệu tấn.
Với nguồn tài nguyên quan trọng, được đánh giá là chất lượng này đã góp phần phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp sản xuất gốm sứ, vật liệu xây dựng, đưa tổng giá trị sản xuất trên địa bàn phường đạt trên 1.618 tỷ đồng (năm 2023). Và cũng từ đây đã góp phần tạo nên các thương hiệu, chắp cánh cho gốm, gạch ngói Tràng An đi xa, như: Đất Việt, Viglacera…