Lợi dụng chính sách không cho khách hàng đồng kiểm khi nhận hàng online, không ít gian hàng ảo gần đây đang phát triển nở rộ, thu hút người mua trên sàn thương mại điện tử.
Cẩn trọng với gian hàng ảo
Trao đổi với PV Lao Động, chị Nguyễn Thị Tuyết (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tháng trước chị có đặt mua một số loại mỹ phẩm của thương hiệu nổi tiếng trên sàn thương mại điện tử. Do tình cờ thấy gian hàng có voucher giảm giá sâu 50% nên chị đã đặt mua ngay.
“Đúng lúc có nhu cầu muốn mua mỹ phẩm thì tôi thấy gian hàng trên sàn thương mại điện tử này đã có hàng chục nghìn lượt bán, đăng tải các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết, quảng cáo giảm giá sốc, thanh lý xả kho. Thấy sản phẩm qua hình ảnh mẫu mã uy tín nên tôi đã đặt mua một đơn hàng có giá trị hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, tôi phát hiện ra đó chỉ một lọ dầu gội kích thích mọc tóc và không thể liên lạc lại với gian hàng này” – chị Tuyết nói.
Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt giữ ổ nhóm chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tiền khuyến mãi trên sàn thương mại điện tử. Các đối tượng khai nhận đã cùng các đồng phạm lập ra các gian hàng ảo trên ứng dụng mua sắm trực tuyến để chiếm đoạt tiền của sàn thương mại điện tử thông qua các mã giảm giá, khuyến mại.
Cơ quan công an nhận định, các đối tượng này đã dựng lên màn kịch lừa đảo thông qua nhiều công đoạn như lập gian hàng ảo, tuyển người chốt đơn mua hàng ảo, tìm kiếm mã giảm giá, áp mã giảm giá, yêu cầu sàn thương mại điện tử đặt đơn mua hàng ảo, đóng gói hàng hóa không đúng mô tả, cấu kết thực hiện giao nhận hàng hóa ảo để tạo chứng từ giả lừa sàn thương mại điện tử chuyển tiền khuyến mãi vào tài khoản của người mua hàng.
Tăng cường thanh lọc, kiểm soát gian hàng ảo
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện cả nước có gần 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thiết bị đồ dùng gia đình, đồ công nghệ và điện tử, sách, hoa, quà tặng và thực phẩm.
Đây là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).
Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong năm 2024, các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam dự kiến đạt doanh thu và doanh số bán hàng vượt 12,5 tỉ USD, đánh dấu mức tăng 35% so với năm 2023. Sự phát triển mạnh mẽ này càng khiến phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm, tình trạng gian lận thương mại điện tử ngày càng tinh vi.
Đề cập đến nội dung này, bà Vũ Thanh Quỳnh – Giám đốc Truyền thông Shopee Việt Nam – cho biết, Shopee hiện cũng đã phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử (Vecom) để triển khai sáng kiến mua sắm an toàn, giúp cho người tiêu dùng vượt qua được những trở ngại lo lắng khi mua sắm online. Không chỉ vậy, Shopee cũng triển khai chương trình mua sắm online đồng kiểm, đây là một chương trình giúp người tiêu dùng có thể kiểm tra được lại xem cái món hàng hóa khi họ nhập mua và giúp cho họ yên tâm hơn.
Theo bà Vũ Thanh Quỳnh, khi phát hiện hành vi lừa đảo, người dân cần ngay lập tức liên hệ các tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của các trang thương mại điện tử hoặc gửi đơn tố giác tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).