Bên cạnh niềm vui, việc trái dừa được mở cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng đang gây nên không ít lo ngại về việc đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Còn đó những nỗi lo…
Mới đây, Trung Quốc và Mỹ đã mở cửa thị trường, đồng ý nhập khẩu chính ngạch trái dừa Việt Nam. Đây là tin vui cho các địa phương đang là “thủ phủ” trái dừa Việt Nam nói riêng và ngành rau quả xuất khẩu Việt Nam nói chung.
Nguyên nhân là bởi, khi được xuất khẩu chính ngạch, tức là sản phẩm đã trải qua quá trình xem xét kỹ lưỡng, và việc sản xuất đã đạt được các tiêu chuẩn của nước sở tại. Đồng thời, vùng trồng cũng được cấp mã số, chứng minh đạt đủ tiêu chuẩn. Đây là bước đầu tiên đảm bảo sản phẩm thành phẩm sau khi sản xuất được “chính danh” bước vào thị trường sở tại.
Hiện nay, Việt Nam là một nước xuất khẩu nông sản lớn, Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Song con số sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc trái dừa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và Mỹ là cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cũng là cơ hội để xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa như bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ… của nước ta đạt hơn 900 triệu USD (đứng thứ 4 thế giới). Với việc trái dừa được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào hai “cường quốc” là Mỹ và Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200 – 300 triệu USD trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, dừa sẽ gia nhập mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
Câu chuyện của trái dừa là tin vui cho xuất khẩu nông sản. Song con đường chinh phục mục tiêu tỷ USD của trái dừa cũng gặp không ít lo ngại.
Nhìn lại câu chuyện trái sầu riêng, có thể thấy, ngay sau khi được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch vào cuối năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đã tăng rất mạnh. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam và Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Hiện, khoảng 90% lượng sầu riêng xuất khẩu là sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cũng liên tục bị cảnh báo vì vi phạm mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, tháng 6 vừa qua, phía bạn cũng phát đi cảnh báo vì có đến 77 lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này bị phát hiện có chứa cadmium (một kim loại nặng) vượt mức cho phép.
Nguyên nhân của tình trạng này là tại nhiều thời điểm, nhu cầu sầu riêng từ thị trường tỷ dân tăng nhanh đã khiến các cơ sở đóng gói và vùng trồng sầu riêng không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, khiến nhiều hộ dân, doanh nghiệp “mượn” mã số vùng trồng, gian lận để xuất khẩu. Suốt trong thời gian qua, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng cao, các cơ quan chức năng liên tục ra các thông báo về việc mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng nhằm trục lợi từ các cơ sở chưa đủ điều kiện xuất khẩu.
Sự việc “mượn” mã số vùng trồng ngành sầu riêng đã từng có giai đoạn “nóng” đến mức, các doanh nghiệp đề xuất “tách sầu riêng thành ngành hàng độc lập để có cơ chế quản lý riêng” nhằm bảo vệ, giúp phát triển bền vững. Việc cần thiết phải có cơ chế pháp lý của ngành sầu riêng một cách bài bản là do khi so sánh với Thái Lan – một đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, có thể thấy, sự thành công, tạo được uy tín trên thị trường của quốc gia này cũng nhờ sự nghiêm minh trong chế tài, tức các thành phần tham gia vào chuỗi liên kết rất sợ sai phạm.
Cần xây dựng những chế tài đủ mạnh để ngành dừa phát triển bền vững
Câu chuyện tăng trưởng “nóng” của trái sầu riêng ngay sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch là bài học nhãn tiền. Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam đã đề nghị, để ngành dừa phát triển bền vững, sớm đạt mục tiêu đề ra là xuất khẩu tỷ USD, cần có sự quy hoạch vùng nguyên liệu một cách đồng bộ, đạt chuẩn organic, chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu các thị trường đề ra.
Lý do là bởi hiện nay, diện tích dừa organic còn khá ít, mới chỉ tập trung vào một số địa phương thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bình Định… nhưng chủ yếu còn nhỏ lẻ chỉ vài chục đến tối đa 100 cây/hộ. Trong khi đó, để “đi đường dài” trong xuất khẩu, việc đáp ứng được yêu cầu của thị trường là yếu tố vô cùng quan trọng.
Nhìn sang nước bạn Thái Lan, có thể thấy, phía bạn xây dựng thương hiệu cho trái dừa rất bài bản, từ việc quy hoạch vùng trồng, nâng cao chất lượng đến xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, cái khó nhất của sản phẩm và doanh nghiệp dừa hiện nay là so với nhiều nước cùng xuất khẩu mặt hàng này thì Việt Nam vẫn bị thua về cách định vị thương hiệu, mã quy hoạch vùng trồng, vùng nguyên liệu chưa bài bản. Tư duy người dân còn theo tính thời vụ, không mang tính lâu dài kéo theo doanh nghiệp gặp khó.
“Đường cao tốc” cho trái dừa đã mở, song “barie” trên con đường đó cũng rất nhiều. Đó là các tiêu chuẩn về thực vật, an toàn thực phẩm cũng như xuất xứ. Chưa kể, bao bì, mẫu mã cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành dừa. Năng lực chế biến sản phẩm cũng là thách thức lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua trên chặng đường chinh phục mục tiêu tỷ USD đang ở ngay trước mắt.