Sau trà mãng cầu, cà phê muối, việc kinh doanh bánh đồng xu theo xu hướng (trend) nhiều nơi tại TPHCM rơi vào tình trạng ế ẩm, thậm chí có người bán bánh phải thanh lý máy móc…
Kinh doanh chạy theo “trend”
Từng kinh doanh các mặt hàng theo “trend” như trà mãng cầu, cà phê muối, hiện là bánh đồng xu, cửa hàng của anh Đặng Hữu Minh (Quận 3) đang thanh lý máy móc và chuẩn bị chuyển hướng kinh doanh khác vì vắng khách.
“Thời điểm đầu kinh doanh, khách tới đông nhưng chỉ được vài bữa là giảm nhiệt. Vì khách sau khi ăn thử cho biết sẽ tìm đến các món khác mới lạ hơn. Tôi đang dự định thanh lý máy làm bánh đồng xu với mức giá 3 triệu và tặng kèm công thức làm bánh” – anh Minh cho hay.
Ghi nhận của PV tại dọc các tuyến đường như Nguyễn Văn Bảo (quận Gò Vấp), Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức)… hay phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ có hàng chục quầy bán bánh đồng xu di động với giá bán khoảng 25.000 – 30.000 đồng/cái.
Tuy nhiên, hiện trà chanh giã tay đang “lên ngôi”, trở thành mặt hàng hút khách nhất ở thời điểm này, khiến nhiều tiệm bánh đồng xu ế ẩm, thậm chí phải thanh lý máy móc.
“Để kinh doanh bánh đồng xu, tôi phải bỏ ra gần 20 triệu đồng để sắm sửa máy móc, xe hàng, nguyên liệu… Thời gian đầu, vì là mặt hàng đang “trend” nên khách đông, hiện khách vắng hơn, có ngày bán không đủ tiền nguyên liệu” – chị Lê Hồng Hà, chủ quầy bánh đồng xu trên đường 3 tháng 2 (Quận 10) chia sẻ.
Trước đó, theo trào lưu có gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu, cà phê muối… Điểm chung của những món ăn, thức uống này đều là “sớm nở, tối tàn” – tồn tại được một thời gian.
Ảnh hưởng từ việc kinh doanh chạy theo trào lưu
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống và Xã hội chia sẻ ý kiến, việc kinh doanh theo trào lưu đúng với thuật ngữ “hớt váng”. “Lớp váng này rất mỏng và mong manh, dễ thay đổi khi có tác động của thị trường”, ông Lộc khẳng định.
Ngoài ra, trên nền tảng xã hội hiện nay đang diễn ra khuynh hướng kinh doanh mới là tiếp thị liên kết. Nghĩa là người bán không biết được và không cần biết món hàng mình bán, chỉ dùng các kĩ năng để thuyết phục người mua.
Ông Lộc cho biết thêm, thoạt nhìn, điều này sẽ không ảnh hưởng gì, nhưng về lâu dài, xét về mặt kinh tế, xã hội sẽ khó hình thành được tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, khuynh hướng buôn bán theo trào lưu được một số chuyên gia đánh giá là vô nghĩa và lẻ tẻ, nhưng nó lại có ưu điểm là rất nhanh nhạy.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta nên hướng đến việc tiêu dùng xanh để xây dựng nền kinh tế xanh trong tương lai.