Nhằm phát huy giá trị các di tích trên địa bàn, thời gian qua TP Uông Bí đã tăng cường công tác quản lý, bảo tồn theo hướng phân cấp, phân quyền để quản lý di tích.
Theo thống kê, trên địa bàn TP Uông Bí hiện có 32 di tích trong danh mục của tỉnh. Trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt; 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 23 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại, chưa được xếp hạng. Các di tích đều gắn với những lễ hội độc đáo, bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa và là những lợi thế để thành phố phát triển loại hình du lịch tâm linh.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là một trong 2 di tích xếp hạng quốc gia trên địa bàn TP Uông Bí đã được UBND tỉnh thành lập BQL di tích theo Quyết định số 2333/QĐ-UBND, ngày 17/9/2012 về việc thành lập BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử trực thuộc UBND TP Uông Bí. Ngày 23/2/2018, UBND TP Uông Bí cũng đã ban hành Quyết định số 1020/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử.
7 di tích xếp hạng cấp tỉnh của TP Uông Bí, gồm: Đền – Chùa Hang Son; chùa Ba Vàng; Cụm di tích đình, nghè, chùa Lạc Thanh; Di tích lịch sử lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Uông Bí năm 1965; Cụm di tích đình, nghè Bí Giàng; Di tích đình, miếu Nam Mẫu; hang Núi Hổ – hang Núi Xếp Bằng (phường Phương Nam).
Đối với 7 di tích này, các xã, phường đều đã thành lập các BQL di tích theo phân cấp quản lý để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Thành phần của các BQL di tích gồm: Đại diện UBND cấp xã, cán bộ văn hóa xã, MTTQ, Hội Người cao tuổi, sư trụ trì, thủ nhang hoặc nhân viên trực tiếp quản lý trông nom di tích. Các di tích có BQL đã chủ động xây dựng quy chế hoạt động, trong đó quy định chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý, việc sử dụng tài chính, tiền công đức và các chế độ chi khác đối với những người phục vụ thường xuyên, người bảo vệ vào những ngày lễ.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích, hằng năm TP Uông Bí cũng ban hành các văn bản hướng dẫn các xã, phường trong bảo quản tu bổ, phòng chống cháy nổ, thiên tai tại các di tích. “Hiện nay, các di tích trên địa bàn thành phố đã được bảo vệ an toàn, không có tình trạng lấn chiếm đất di tích hay xây dựng các công trình tín ngưỡng trái phép trong khu di tích, không xảy ra cháy nổ, mất an toàn. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại các di tích cũng được bảo vệ, kiểm kê nghiêm ngặt theo đúng quy định. Đồng thời, nhiều công trình di tích cũng đã được trùng tu tôn tạo khang trang từ nguồn xã hội hóa với nhiều dự án lớn, như: Khu di tích chùa Ba Vàng, khu di tích Yên Tử” – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Uông Bí Phạm Xuân Thành chia sẻ.
Để gìn giữ và phát huy giá trị di tích một cách bền vững, công tác tuyên truyền, giới thiệu giá trị di tích bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và du khách trong việc chung tay quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích luôn được Uông Bí quan tâm triển khai. Đồng thời thành phố cũng đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động tu bổ di tích trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Văn Thành cho biết: Hiện địa phương đang tiếp tục xây dựng phương án, kế hoạch phát huy tuyến điểm du lịch của thành phố đã được công nhận gắn với di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn và kêu gọi các nhà đầu tư khai thác phát huy tiềm năng vốn có của các điểm du lịch như Lựng Xanh, hồ Yên Trung nhằm thu hút khách du lịch. Thành phố cũng đang tiến hành quy hoạch quỹ đất tôn giáo để mở rộng khuôn viên, đường vào một số di tích như di tích nghè Bà Chúa thuộc khu 5, phường Quang Trung, nằm trong cụm di tích cấp tỉnh Đình, nghè, chùa Lạc Thanh (phường Yên Thanh); quy hoạch đất tôn giáo chùa Bảo Long (phường Phương Đông)…