Những năm gần đây, bằng rất nhiều giải pháp, TP Uông Bí đã đầu tư cho du lịch. Điển hình là việc hình thành và dần hoàn thiện hạ tầng du lịch; xây dựng những điểm, tuyến du lịch, khu du lịch; làm mới, hoặc xây dựng mới sản phẩm du lịch… Tuy nhiên, hiện nay dư địa phát triển du lịch của Uông Bí được nhận định còn rất lớn.
Ứng xử với du lịch nhỏ, lẻ, tự phát
Tài nguyên du lịch của Uông Bí là vùng di sản Yên Tử với những giá trị đặc biệt, điểm du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung, các điểm cảnh quan núi Phượng Hoàng, Bình Hương, thác Lựng Xanh, rừng quốc gia Yên Tử với đa dạng hệ động, thực vật, khu vực chân núi Yên Tử với đời sống văn hoá phong phú của cộng đồng người Dao Thanh Y, các mô hình du lịch nông nghiệp…
Những người hiểu về Uông Bí đều cho rằng vẻ đẹp của du lịch địa phương là vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên, sự nguyên sơ của núi rừng, sự tươi đẹp của hoa cỏ, vẻ đẹp của những di tích gốc, của những hoạt động đời sống sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn…
Năm 2020, hồ Yên Trung trở thành khu du lịch cấp tỉnh. Với đặc thù diện tích khu du lịch bao trùm rừng sản xuất và hồ cấp nước thuỷ lợi, nên giải pháp khai thác du lịch ở đây là ưu tiên những mô hình du lịch nhỏ, di động, hài hoà với thiên nhiên. Hiện nay, hồ Yên Trung rất hút khách, nhất là vào mùa hè, song công tác bảo vệ cảnh quan khu du lịch đang được triển khai khá tốt. Đáng nói, dựa vào khu du lịch hồ Yên Trung, đời sống của người dân bản địa cũng được nâng lên.
Phượng Hoàng là ngọn núi có cảnh quan rất khác biệt trong hệ thống núi đồi của Uông Bí, đặc biệt là khu vực đỉnh núi. Nơi đây hình thành những quả đồi thấp nối nhau, trên đó là những vạt cỏ biến đổi theo mùa và những cây thông hiếm hoi, đứng đơn lẻ, được gọi là cây thông “cô đơn”. Nét khác biệt này khiến cho Phượng Hoàng như một vùng thảo nguyên thơ mộng, hoa cỏ tươi xanh mơn mởn khi xuân về và khô cháy khi hè tới…
Từ cảnh quan hiếm có, Phượng Hoàng rất có sức hút đối với du khách, cũng vì vậy mà phát sinh những nhu cầu dịch vụ phục vụ du lịch. Hiện một số hộ dân đã cung ứng dịch vụ lều bạt cho du khách nghỉ ngơi ngắm cảnh và những dịch vụ ăn uống đơn giản. Trên quan điểm giữ cảnh quan gốc, Uông Bí bước đầu xây dựng Phượng Hoàng là sản phẩm du lịch chính thức; tiến hành quản lý chặt chẽ việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Thành phố cho phép các dịch vụ hoạt động trong khuôn khổ; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Tiến tới phát triển du lịch bền vững
Xác định một trong những điểm thiếu và yếu hiện nay của du lịch Uông Bí là ít có sản phẩm có thể “giữ chân” khách lưu trú, chính vì vậy thành phố đang đẩy mạnh tiến độ đề án xây dựng sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Theo đó, năm 2024 TP Uông Bí đăng ký 2 sản phẩm du lịch là công trình Nhà trưng bày không gian văn hoá người Dao Thanh Y và điểm du lịch sinh thái Khe Song – Thác Bạc (đều ở xã Thượng Yên Công). Đến thời điểm hiện tại, đối với công trình Nhà trưng bày không gian văn hoá người Dao Thanh Y, các đơn vị chuyên môn đang tiến hành sưu tầm hiện vật, tổ chức hoạt động truyền dạy nghề truyền thống và thành lập đội hình biểu diễn văn nghệ dân gian.
Đối với điểm du lịch sinh thái Khe Song – Thác Bạc, chính quyền địa phương đang cấu trúc lại công trình kiến trúc hiện có để phù hợp với quy hoạch, đồng thời hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Văn Thành, chỉ đạo của thành phố trong phát triển các sản phẩm du lịch mới là ưu tiên tính bền vững, thực hiện đúng quy trình, có sự đầu tư tương xứng và đáp ứng thị hiếu du lịch của du khách cũng như đáp ứng xu thế kết nối du lịch theo chuỗi hiện nay.
Cùng với hình thành sản phẩm du lịch mới, TP Uông Bí ủng hộ xu hướng hình thành các mối liên kết sản phẩm du lịch theo chuỗi, đặc biệt là chuỗi sản phẩm du lịch khu vực dưới chân núi Yên Tử.
“TP Uông Bí vẫn xác định khu vực dưới chân núi Yên Tử là vùng dư địa phát triển du lịch. Lợi thế lớn nhất ở đây là khu di tích, danh thắng Yên Tử nổi tiếng, hằng năm thu hút lượng rất lớn du khách, bao gồm 20% là du khách nước ngoài. Khách du lịch đến Yên Tử không chỉ lễ Phật mà còn trải nghiệm không gian văn hoá và cảnh quan, không chỉ vào mùa lễ mà cả 4 mùa trong năm, không chỉ đi về trong ngày, mà lưu trú vài ngày. Vì thế, nhu cầu thụ hưởng các điểm du lịch mới khác Yên Tử là rất lớn. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các điểm du lịch dưới chân núi Yên Tử như Nhà trưng bày văn hoá người Dao, Khe Song – Thác Bạc, hầm rượu mơ, vườn mơ, điểm du lịch văn hoá bản địa người Dao Thượng Yên Công, rừng quốc gia Yên Tử, núi Bình Hương… sẽ là những điểm du lịch vệ tinh lý tưởng, có thể kết nối với nhau để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách” – Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin TP Uông Bí Phạm Xuân Thành cho biết.
Bên cạnh đó, hiện nay TP Uông Bí đang đẩy mạnh đề án số hoá du lịch; số hoá các di sản ở Yên Tử. Về lâu về dài, Yên Tử tính tới hướng phát triển du lịch từ Yên Tử tiến gần về trung tâm thành phố, thậm chí là đi xuống khu vực phía Nam thành phố. Đây được coi sẽ là hướng mở của du lịch Uông Bí, phá vỡ sự định hình bấy lâu về bản đồ du lịch Uông Bí thiên về Yên Tử, thiên về du lịch tâm linh và theo mùa vụ.