Tính đến hết tháng 9/2023, số thu ngân sách TP Hạ Long thực hiện đạt gần 3.100 tỷ đồng (bằng 45% dự toán tỉnh giao, bằng 44% kế hoạch thành phố, bằng 100,1% cùng kỳ năm 2022). Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kết quả này cho thấy, TP Hạ Long cần có những giải pháp mạnh mẽ để tăng tốc trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách.
Theo kế hoạch, năm 2023 TP Hạ Long được tỉnh giao thu NSNN gần 7.000 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm nay, thành phố đã xây dựng kịch bản thu NSNN cụ thể theo từng quý. Trong đó, quý I thu gần 1.300 tỷ đồng, quý II dự kiến thu trên 2.069 tỷ đồng, quý III dự kiến thu trên 2.225 tỷ đồng, quý IV dự kiến thu gần 1.380 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong những tháng đầu năm, thành phố đã gặp nhiều yếu tố tác động lớn đến kịch bản thu ngân sách của thành phố, như: Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 16/6/2022), Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao… toàn bộ các dự án thành phố đã thực hiện giao đất, thu tiền thuê đất trả tiền một lần sẽ phải chuyển sang thu tiền thuê đất hàng năm. Mà trong dự toán được giao từ đầu năm 2023, thành phố phải thu 492 tỷ đồng tiền thuê đất một lần của các dự án, dẫn đến toàn bộ khoản này thành phố không còn địa chỉ thu. Cùng với đó là các chính sách miễn giảm của Trung ương về việc giảm 30% tiền thuê đất của năm 2022 do tác động của dịch Covid-19; miễn giảm 2% VAT của tất cả các loại hình dịch vụ…
Đối với phí tham quan Vịnh Hạ Long, năm 2023 tỉnh giao thành phố thu 700 tỷ đồng và địa phương cũng đứng trước nguy cơ không đạt, hụt thu gần 200 tỷ đồng. Nguyên nhân vì trong 6 tháng cuối năm, phí tham quan Vịnh chủ yếu thu từ khách nước ngoài, tập trung vào du khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nguyên nhân chính là do những nước này đang có chính sách hạn chế người dân đi du lịch nước ngoài và khuyến khích người dân du lịch trong nước.
Ngoài hụt thu từ phí tham quan Vịnh, một số khoản thu lớn của thành phố cũng gặp khó khăn trong thu phí, lệ phí khi số lượng giao dịch bất động sản trên địa bàn chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, việc chuyển lệ phí trước bạ do nhu cầu mua sắm phương tiện của người dân cũng giảm, chỉ bằng 60% so với năm 2022.
Để giải quyết những khó khăn nói trên, thành phố đã tập trung khai thác các nguồn thu mới, thành lập một loạt tổ công tác rà soát doanh thu của các đơn vị mà ở những lĩnh vực còn dư địa tăng thu, như: Kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, tàu du lịch.
Qua rà soát những cơ sở này đã tăng doanh thu tương đối lớn, lên tới gần 30 tỷ đồng. Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, hàng năm, Chi cục Thuế tiến hành rà soát, điều chỉnh doanh thu phù hợp với quy mô kinh doanh và tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các xã, phường thành lập tổ công tác khảo sát doanh thu đối với các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, căn hộ cho thuê. Cùng với đó, thành phố tăng cường nâng cao hiệu quả thực hiện 7 kế hoạch thu NSNN của UBND tỉnh; đẩy mạnh kê khai, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử.
Đáng chú ý là thành phố đã tập trung làm việc với các xã, phường có dư địa quỹ đất, quỹ đất có giá trị và khả năng thu tiền cao để rà soát, đôn đốc và hướng dẫn hộ dân nộp tiền sử dụng đất còn nợ đọng, nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, làm hồ sơ để chuyển đến xã, phường tiếp nhận, xét duyệt nguồn gốc làm cơ sở công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hằng tuần, Thường trực Thành ủy Hạ Long sẽ nghe báo cáo về tiến độ thu tiền sử dụng đất trong các hộ dân. Chỉ tính riêng ngay trong tuần đầu của tháng 10/2023, thành phố đã thu gần 18 tỷ đồng tiền sử dụng đất trong các hộ dân.
Trong đó, thu từ chuyển mục đích sử dụng đất là 2,6 tỷ đồng; thu từ giao đất tái định cư, đất xen kẹp gần 12 tỷ đồng; thu từ công nhận quyền sử dụng đất gần 500 triệu đồng; thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên 3 tỷ đồng.
Ông Vũ Ngọc Lâm, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố, cho biết: Một giải pháp quan trọng, đánh giá có tính mấu chốt đó là thành phố tiến hành họp rà soát và cho ý kiến về phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 ngay sau khi Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 72/QĐ-TTg (ngày 10/2/2023). Trên cơ sở đó, thành phố rà soát quỹ đất để phát triển thương mại, dịch vụ và tổ chức kêu gọi đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài. Hiện thành phố đang chuẩn bị tổ chức đấu giá một số dự án và dự kiến những dự án này giúp thành phố bù đắp được khoảng 900-1.000 tỷ đồng. Không chỉ tăng thu tiền sử dụng đất cho ngân sách, đây cũng là những dự án động lực để phát triển KT-XH cho thành phố, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.