Trước thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm, TP Hạ Long đã thực hiện rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động của các phòng, ban, đơn vị, nhằm chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời, đảm bảo mọi công việc được hoàn thành theo tiến độ, chất lượng.
Là thủ phủ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, với nhiều nội dung công việc, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền TP Hạ Long đã thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, các chỉ tiêu xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của địa phương năm sau đều cao hơn trước; bộ mặt đô thị, giao thông, cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư, cải thiện, nâng cao về chất lượng.
Có được kết quả đó, TP Hạ Long đã không ngừng kiện toàn, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền, cơ quan, đơn vị đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý, khắc phục triệt để những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng, ban, đơn vị; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu.
Hằng năm, UBND TP Hạ Long đã ban hành quy chế văn hóa công sở tại các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường; Trung tâm Hành chính công thành phố ban hành bộ quy tắc ứng xử cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm việc tại trung tâm. Đồng thời, UBND TP Hạ Long siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng do áp lực công việc lớn nên thành phố cũng không tránh khỏi những bất cập, tồn tại, như xuất hiện tình trạng né tránh, sợ sai, chưa mạnh dạn, quyết liệt trong tham mưu ở một số cán bộ, công chức, viên chức có năng lực hạn chế liên quan đến một số lĩnh vực, như: Quản lý đất đai, giải ngân vốn đầu tư công, mua sắm trang thiết bị… Việc tồn tại vấn đề này đã nảy sinh sự thiếu thống nhất nhiệm vụ qua lại giữa các phòng, ban, các bộ phận trong cơ quan, đơn vị, địa phương, khiến cho công việc chung của thành phố bị chậm, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án chậm được phê duyệt, thi công chậm tiến độ, dẫn đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công không đạt theo kế hoạch được giao.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được TP Hạ Long xác định là do chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày một chặt chẽ, nội dung công việc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều cán bộ, đảng viên trong cả nước có sai phạm bị đưa ra pháp luật, dẫn đến một số cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, không dám làm, hoặc làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Cùng với đó là do khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi chất lượng công tác tham mưu ngày càng cao, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có sự tinh giản, liên tục thay đổi và phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định mới của pháp luật có liên quan để tránh làm sai; công tác phối hợp giữa các phòng, ban, cơ quan, đơn vị có lúc, có việc chưa chặt chẽ, kịp thời, chưa bao quát hết vấn đề cần tháo gỡ. Chưa có chế tài xử lý cán bộ, công chức, viên chức không dám làm, né tránh trách nhiệm, mà chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm, yêu cầu chấn chỉnh, cũng như chưa phát huy cơ chế, chính sách để khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị.
Khắc phục tình trạng trên, TP Hạ Long đang thực hiện rà soát, đánh giá năng lực cán bộ ở từng bộ phận trong hệ thống chính trị, từ đó bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo cân đối, phù hợp giữa năng lực, trình độ chuyên môn gắn với sở trường, kinh nghiệm công tác; kịp thời tinh giản biên chế, đưa ra khỏi hệ thống những trường hợp năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ; xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời cán bộ làm việc “5 thật” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và người dân được hưởng thụ thật) và “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với thử thách), từ đó khắc phục được “bệnh sợ trách nhiệm”, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.