Kinh tế di sản là một khái niệm mới, được hiểu là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia, nhiều địa phương trong nước rất quan tâm. Đối với TP Hạ Long, cùng với công nghiệp văn hoá thì kinh tế di sản là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
TP Hạ Long có nhiều lợi thế để nắm bắt được xu hướng này. Thành phố hiện có gần 100 di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh. Trong đó, có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Danh thắng Vịnh Hạ Long, 6 di tích cấp quốc gia, 16 di tích lịch sử cấp tỉnh, 73 di tích nằm trong danh mục được kiểm kê, phân loại, cùng nhiều di tích khảo cổ thời sơ sử và tiền sử, phản ánh sự kế tiếp lịch sử từ khi con người xuất hiện ở vùng đất này cách đây hàng nghìn năm.
Trên địa bàn TP Hạ Long hiện có 16 lễ hội truyền thống, lễ hội hiện đại. Các lễ hội tiêu biểu có thể kể ra như: Lễ hội chùa Long Tiên, Lễ hội đền bà Men, Lễ hội đền Trần Quốc Nghiễn, Hội làng Bằng Cả, Lễ hội đại kỳ phúc đình nghè Vạn Yên, Lễ hội đình Giang Võng…
Được biết, trong năm 2025, TP Hạ Long sẽ phục dựng và tổ chức lại 5 lễ hội truyền thống tiêu biểu bao gồm: Lễ mừng cơm mới của người Tày xã Dân Chủ, Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội chùa Lôi Âm, Lễ hội đền Cái Lân, Lễ hội chùa Long Tiên. Đây là mục tiêu quan trọng nằm trong Đề án “Hạ Long – Thành phố của lễ hội”.
Đề án được xây dựng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện. Đề án cũng đặt ra mục tiêu nâng cấp quy mô 2 lễ hội truyền thống là Hội làng Bằng Cả và Lễ hội Đền vua Lê Thái Tổ.
Cùng với đó, thành phố sẽ tổ chức thêm các lễ hội hiện đại như: Lễ hội Đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống TP Hạ Long, Lễ hội Hoa anh đào và Tuần Văn hóa Nhật Bản tại Hạ Long, Lễ hội Dù bay có động cơ và dù lượn, Lễ hội Trăng rằm và trình diễn ánh sáng nghệ thuật bên vịnh Di sản, Ngày di sản vịnh Hạ Long, Lễ hội hoa Xuân Hạ Long, Lễ hội Hoa tại thiên đường hoa Quảng La, Lễ hội Mùa ổi chín…
Hoạt động lễ hội nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới, góp phần thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Hạ Long. TP Hạ Long cũng sẽ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm tại các di tích văn hóa, lịch sử, du lịch lễ hội của thành phố, hay các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương là những cách làm hữu ích, thiết thực nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, quảng bá giá trị di sản.
Kinh tế di sản cũng được đề cập trong Đề án thí điểm phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2024-2025. Đề án được xây dựng nhằm tạo giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ bền vững dựa trên việc khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của thành phố.
Ông Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long cho biết: Đề án phát triển kinh tế ban đêm nhằm nâng tầm du lịch, dịch vụ của thành phố, góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản trên địa bàn thành phố trong tương lai. Cũng theo ông Vũ Quyết Tiến, ngoài những khu vực du lịch, dịch vụ đêm hiện hữu (quanh khu vực công viên Sun Group, phố đi bộ Bạch Đằng…), cần quy hoạch, phát triển thêm tại các khu vực khác như: Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, đồi Đặng Bá Hát. Hạ Long cũng nghiên cứu phát triển tại các khu di tích tại các xã khu vực phía Bắc của thành phố, chú ý đến sản phẩm đặc trưng vùng miền.
Trên Vịnh Hạ Long, cần nghiên cứu tổ chức các sự kiện âm nhạc trên tàu, xây dựng các tour, tuyến du lịch thăm làng chài. Được biết, trước mắt, TP Hạ Long đang đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án công trình như: Di tích đền Bài Thơ, đền Bà Chúa, đền vua Lê Thái Tổ, thực hiện các đề án thành phố của hoa và lễ hội.