Sau hơn 4 năm huyện Hoành Bồ được sáp nhập vào TP Hạ Long theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh, bộ máy trong hệ thống chính trị ở đơn vị hành chính mới đã hoạt động ổn định, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền TP Hạ Long mới đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ổn định tình hình cơ sở, đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hơn hết, việc sáp nhập đã mở ra những không gian phát triển mới, đời sống của người dân đã có những bước đổi thay ngoạn mục theo đúng tiêu chí “hạnh phúc”.
Phát huy thế mạnh khác biệt của 2 vùng đất
TP Hạ Long là thủ phủ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh, có vịnh Hạ Long được UNESCO nhiều lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Với những thế mạnh và lợi thế khác biệt, TP Hạ Long ngày càng trở thành đích đến của những tập đoàn đầu tư lớn, đưa Hạ Long không chỉ là đầu tàu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh mà là hạt nhân Vùng Kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc.
Theo quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, 2050, TP Hạ Long sẽ trở thành thành phố cấp vùng, đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu để dẫn dắt cả vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, trước yêu cầu tình hình thực tiễn phát triển mới, TP Hạ Long phải đối mặt với các hạn chế, thách thức về nguồn lực tự nhiên, thiếu quỹ đất đủ lớn để xây dựng các dự án tầm cỡ quốc gia và quốc tế, không gian phát triển hạn hẹp và nảy sinh không ít thách thức lớn bảo vệ di sản, về bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Để trở thành hạt nhân phát triển của cả vùng Đông Bắc, yêu cầu cấp thiết đặt ra là Hạ Long buộc phải mở rộng được không gian phát triển, phải làm lại quy hoạch, phải cởi bỏ chiếc áo quá chật để tạo những bứt phá trong giai đoạn mới.
Trong khi đó, huyện Hoành Bồ có diện tích lớn nhất tỉnh, mật độ dân số thấp, có vị trí đầu mối về giao thông, có quỹ đất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên, rừng ngập mặn lớn và đa dạng sinh học, cảnh quan độc đáo, văn hóa bản địa phong phú. Thế nhưng nhiều năm qua, vùng đất này vì thiếu nguồn lực đầu tư nên khó tạo ra đột phá và chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, đời sống nhân dân còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.
Thống kê cho thấy, trong khi TP Hạ Long là đô thị loại 1, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 10.000 USD/người/năm thì Hoành Bồ là huyện nghèo, mới chỉ đạt 2.000 USD/người/năm.
Nhận thấy hai địa phương có mối quan hệ chặt chẽ về điều kiện tự nhiên, xã hội, có khả năng tương hỗ hai chiều về tiềm năng, lợi thế phát triển, bổ sung cho nhau những thế mạnh khác biệt mà mỗi bên đang sở hữu để tạo sức mạnh tổng hợp phát triển bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 2/10/2019 về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Đồng thời, triển khai các bước tiếp theo chuẩn bị cho công tác sáp nhập theo đúng quy định của pháp luật, như: Lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND cấp xã, huyện, tỉnh và đã được ủng hộ rất cao.
Tại phiên họp thứ 40, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao đề xuất và sự quyết tâm, quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh về mở rộng không gian phát triển của thành phố Hạ Long, thống nhất thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020). Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt mang tính lịch sử, tác động đến sự phát triển của các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là TP Hạ Long. Đây cũng là kết quả của quá trình chuẩn bị nhiều năm, là giải pháp đột phá có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn khách quan, yêu cầu phát triển, phù hợp với quy hoạch tổng thể, chiến lược của tỉnh, của vùng, hiện thực hóa chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh.
Sức sống mới, diện mạo mới
Ngay sau sáp nhập, để ổn định bộ máy đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn mới, thành phố đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt thành phố, lãnh đạo chủ chốt các phòng, ban, đơn vị với nguyên tắc công bằng, dân chủ, khách quan, minh bạch, chú trọng đến chất lượng nhân sự, không đặt ra vấn đề “bên nặng”, “bên nhẹ”. Bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, chia sẻ: Đến nay, đội ngũ CBCCVC của thành phố có lập trường tư tưởng vững vàng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc, trình độ chuyên môn cơ bản phù hợp với vị trí việc làm, nhiệt tình trách nhiệm trong công tác, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn tích cực, chủ động học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Cùng với việc sắp xếp lại bộ máy, Hạ Long cũng đặc biệt quan tâm và có phương án sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, triển khai các dự án, công trình, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Ngay sau khi thực hiện sáp nhập, tỉnh và thành phố đã triển khai rà soát các dự án, điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu, định hướng mới. Đồng thời triển khai rà soát danh mục các dự án, ưu tiên mọi nguồn lực, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TU và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố. Đến nay, có 15 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, tổng vốn đầu tư đến 18.345 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách tỉnh 7 dự án với tổng mức đầu tư cho các dự án là 14.962 tỷ đồng và ngân sách thành phố 8 dự án với tổng mức đầu tư 3.383 tỷ đồng).
Những công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển từ các trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước đến địa bàn, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch, như: Tuyến đường kết nối từ điểm đầu cầu Tình Yêu đến ngã ba Kênh Đồng (phường Giếng Đáy); đường đấu nối QL 279 đến Tỉnh lộ 342; Cải tạo nâng cấp tuyến đường Đồng Cao – Đò Bang (xã Thống Nhất); nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thôn Trại Me (xã Sơn Dương) đến thôn Đồng Trà (xã Đồng Lâm); nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường liên xã, đoạn đường từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn… Hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội ở khu vực đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tiện ích. Các xã được đầu tư nâng cấp, hệ thống giao thông các xã cơ bản được bê tông hóa, rút ngắn dần khoảng cách giữa khu vực đô thị và nông thôn.
Song song với đầu tư hạ tầng giao thông, nhiều công trình giáo dục cũng được đưa vào sử dụng, trong đó có 2 trường học điển hình, trở thành kiểu mẫu của cả tỉnh là Trường THCS & THPT Quảng La và Trường THPT Hoành Bồ. Ngoài ra, ngân sách tỉnh cũng đã tập trung đầu tư 2 công trình giao thông huyết mạnh, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của địa phương là cầu Tình Yêu và cầu Bình Minh. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường kết nối hai cây cầu này với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng…
Từ sự ưu tiên nguồn lực rất lớn của tỉnh và thành phố, những công trình trọng điểm được đầu tư và đang dần hình thành thêm các tuyến liên kết vùng, nội vùng. Tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Hoành Bồ cũ dần được đánh thức. Điển hình như xã Sơn Dương, nếu như trước đây, do giao thông cách trở, cuộc sống của các hộ dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ dân không mặn mà với phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhưng chỉ sau 2 năm, với sự quan tâm của tỉnh và thành phố, xã Sơn Dương đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang từng bước hoàn thiện tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Quan trọng hơn là, nhận thức của người dân về phát triển kinh tế đã được chuyển biến rõ nét. Đặc biệt là khi Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường liên xã, đoạn đường từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn được triển khai và hình thành. Chị Triệu Thị Thu, thôn Đồng Bé, xã Sơn Dương, cho biết: Người dân trong xã vô cùng phấn khởi trước sự đổi thay từ hạ tầng giao thông. Được sở hữu những con đường to đẹp, thênh thang không khác những tuyến đường ở đô thị lớn nên chúng tôi cũng đầy ắp những ý tưởng làm giàu như cải tạo lại đồng ruộng để làm mô hình du lịch sinh thái, đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất…
Đối với người dân xã Tân Dân, những ngày đầu năm mới 2024 này tiếp tục đánh dấu niềm vui lớn khi thành phố chính thức khởi công dự án xây dựng cầu thay thế tràn qua suối thôn Đất Đỏ. Ông Phạm Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân, phấn khởi cho biết: Tân Dân có tới 5/8 thôn giao thông đi lại rất khó khăn vì có liên quan đến nhiều khe suối. Cứ mỗi khi mưa lớn, lũ về bà con đi lại gặp rất nhiều bất tiện, nhất là việc đưa đón con em đến trường. Từ năm 2022 đến nay, thành phố đã ưu tiên triển khai xong 3/5 cầu tràn vào các thôn Bàng Anh, Đồng Mùng, Khe Cát. Mặc dù thôn Đất Đỏ chỉ có 68 hộ dân thế nhưng thành phố tiếp tục dành thêm gần 15 tỷ đồng để đảm bảo mùa mưa lũ năm 2024 bà con trong thôn không còn chịu cảnh bị cô lập, chia cắt. Vậy là niềm mong mỏi của bà con nhân dân suốt mấy chục năm qua đã sắp thành hiện thực. Chúng tôi tin chắc rằng, cuộc sống của người dân trong xã sẽ ngày càng đổi mới và hạnh phúc hơn nữa.
Khẳng định chủ trương đúng
Từ sự ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển đã góp phần thay đổi, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới phát triển của nhân dân các xã vùng cao, tạo ra nguồn lực nội sinh cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố mới.
Sau sáp nhập 2 địa phương, qua rà soát cho thấy Hạ Long có 686 hộ nghèo, 1.344 hộ cận nghèo. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và đời sống người nghèo phải thực sự được nâng cao, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện tốt công tác xã hội hóa, đặc biệt chương trình hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Giai đoạn 2020-2022, thành phố đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 137 hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền trên 6,5 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai hiệu quả các mô hình kho hàng tái sử dụng, mô hình hỗ trợ con giống phát triển sản xuất, tặng sổ tiết kiệm, nhận đỡ đầu, tặng vật dụng phục vụ đời sống…
Chỉ sau 2 năm sáp nhập, đến cuối năm 2021, thành phố đã giảm toàn bộ số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của Trung ương và tiêu chí nâng cao của tỉnh theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Đến cuối năm 2022, thành phố đã giảm 47/47 hộ cận nghèo; không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, là địa phương hoàn thành sớm việc hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho các hộ khó khăn và hoàn thành 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.
Bên cạnh đó, đã chỉ đạo tập trung giải quyết tốt các chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội, 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố được nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi. Thành phố đã giải quyết việc làm cho tổng số gần 28.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động (tăng bình quân gần 500 người/năm so với bình quân giai đoạn 2016-2019). Những kết quả này là tiền đề và động lực để thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022 (sớm 1 năm so với kế hoạch).
Bước qua hơn 4 năm mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển với những cách làm bài bản, khoa học nên mặc dù chịu rất nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thành phố luôn duy trì đà tăng trưởng cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng, đóng góp gần 50% tổng thu nội địa của tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn duy trì ở mức hai con số (năm 2021 tăng 15,6%, năm 2022 tăng 15,9%, năm 2023 tăng 16,2%); một số chỉ tiêu đạt và vượt kỳ vọng. Nhìn lại thành quả này sau hơn 4 năm, càng thấy được ý nghĩa chiến lược lâu dài của Nghị quyết số 18-NQ/TU đối với sự phát triển của TP Hạ Long.
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Nghị quyết số 18-NQ/TU chính là sự kết tinh, khát vọng đổi mới, sự trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo tỉnh, là kết quả của cả một quá trình diễn tiến khách quan, lâu dài trong lịch sử phát triển của địa phương, là sự mạnh dạn vận dụng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cụ thể hóa sáng tạo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ vào điều kiện thực tiễn tại địa phương. Việc sáp nhập thành công Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã mở ra một không gian mới, với tiềm năng và thế mạnh nổi trội cho sự phát triển của TP Hạ Long mới, đánh dấu bước ngoặt mang tính lịch sử, tác động đến sự phát triển của các địa phương trong tỉnh. Những kết quả nổi bật sau hơn 4 năm sáp nhập chính là minh chứng rõ nét cho thấy Nghị quyết số 18-NQ/TU đã được nhân dân đồng thuận, ủng hộ, cán bộ, đảng viên đoàn kết thống nhất ý chí và quyết tâm hành động.