Với lợi thế nằm giữa Hạ Long và Vân Đồn – 2 trọng điểm du lịch của tỉnh, TP Cẩm Phả đã tích cực khai thác, phát triển sản phẩm du lịch mới, tổ chức đa dạng các sự kiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó, thu hút du khách, phát triển ngành du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, từng bước chuyển đổi phương thức theo định hướng từ “nâu” sang “xanh”.
Trên cơ sở đề xuất của TP Cẩm Phả và các đơn vị liên quan, 10 hành trình tham quan, du lịch trên vịnh Bái Tử Long và 3 hành trình kết nối vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long đã được UBND tỉnh công bố tại Quyết định 2119/QĐ-UBND ngày 19/7/2024. Trong đó, có một số hành trình xuất phát và đi tham quan các bãi tắm, điểm du lịch thuộc TP Cẩm Phả như: Hành trình Bái Tử Long 7 gồm cảng, bến tàu Cẩm Phả – bãi tắm Lương Ngọc – Vũng Đục – đảo Ông Cụ – đảo Rều – Cửa Ông, cảng, bến tàu Cẩm Phả – Vũng Đục – công viên Hòn Xếp, cảng, bến tàu Cẩm Phả – bãi tắm Lương Ngọc – Vũng Đục – đảo Ông Cụ – đảo Rều – Cửa Ông – đảo Tây Hoi – Bản Sen… Các hành trình tham quan, du lịch mới được công bố, đưa vào hoạt động, khai thác mở ra cơ hội rất lớn cho TP Cẩm Phả trong việc kết nối các điểm, thu hút du khách, phát huy tiềm năng du lịch địa phương.
Chị Phạm Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Công ty CP Vũng Đục, TP Cẩm Phả cho biết: Cùng với hạ tầng giao thông thuận lợi, nhất là tuyến đường bao biển và đường biển đã được nối liền từ Hạ Long sang Cẩm Phả, hành trình du lịch vịnh dự kiến đưa vào hoạt động thời gian tới sẽ mở ra cơ hội phát triển bứt phá cho du lịch địa phương. Trên cơ sở đó, lượng khách tới khu du lịch hang động Vũng Đục và các điểm du lịch khác trên địa bàn thành phố sẽ tăng cao. 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã đón 838.000 lượt khách với doanh thu đạt 495 tỷ đồng.
Cùng với nhiều nỗ lực trong việc đề xuất xây dựng hành trình nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới, thành phố cũng tích cực tổ chức các sự kiện để thu hút du khách, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ như: Lễ hội Đền Cửa Ông, lễ hội Đình Cộng Hòa, biểu diễn nghệ thuật “SAFABAY CHÀO HÈ 2024…
Hiện, vòng Chung kết cuộc thi Hoa hậu du lịch Việt Nam năm 2024 tổ chức tại TP Cẩm Phả, cũng là một trong những điểm nhấn góp phần quảng bá hình ảnh, con người và du lịch địa phương tới đông đảo du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các thí sinh cũng tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, như: Dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Vũng Đục; tham quan Khu di tích và danh thắng Vũng Đục; tìm hiểu về Di tích Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai; ngắm toàn cảnh khu vực khai trường mỏ từ đài vọng cảnh và tìm hiểu hoạt động của Phân xưởng ô tô Công ty CP Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV; nhặt rác trên bãi biển…
Cẩm Phả cũng đã phối với Sở Du lịch và Công ty CP Du lịch và Thương mại Hạ Long Cruises đưa Tập đoàn TUI Musement (Tập đoàn đang quản lý và vận hành các hãng tàu biển lớn như: Meinchift Cruises, Alida Cruises, MSC Cruises) và các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát các điểm du lịch, sản phẩm du lịch tại địa phương để kết nối tạo các tuyến, tour du lịch giữa các huyện, thị xã trong tỉnh với TP Cẩm Phả. Đồng thời chỉ đạo phòng Kinh tế nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển thí điểm mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn.
Với đặc điểm là thành phố mỏ, Cẩm Phả cũng đang phối hợp với TKV tu bổ Di tích ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, kết nối các di tích do ngành than quản lý, địa điểm khai thác than lộ thiên để du khách tìm hiểu về sản phẩm du lịch “Than” như: Quảng trường 12/11, ngã Tư đường lên mỏ Đèo Nai, địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai ngày 30/3/1959, khu di tích và Danh thắng Vũng Đục, cầu Poóc Tích 1 – trận địa pháo Cao xạ – hầm chỉ huy của xí nghiệp tuyển than Cửa Ông, Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia các nghề mỏ Hầm lò….