Du khách tới Hà Nội tháng 10 có cơ hội trải nghiệm nếp sống của người Hà Nội gần 100 năm trước ở nhà cổ 87 Mã Mây trong tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng”.
Tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng” tại nhà cổ 87 Mã Mây nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Chương trình do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội kết hợp với nhóm nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện nhằm tái hiện nếp sống của một gia đình bán thuốc ở thủ đô, giai đoạn 1930-1945.
NSƯT Lê Ánh Tuyết thuộc nhà hát Tuổi trẻ, đồng tác giả chương trình, cho biết tour tham quan căn nhà cổ này vốn đã quen thuộc. Do đó, nhóm tác giả muốn thổi một làn gió mới để du khách thực sự hiểu về cuộc sống của gia đình từng sống trong căn nhà, thay vì chỉ chiêm ngưỡng nội thất, kiến trúc cổ kính.
Trong tour thực cảnh sắp ra mắt, du khách sẽ được giới thiệu về nếp sống, hoạt động bán thuốc Đông y của người chủ cũ, trực tiếp tham gia một số công đoạn như tán thuốc, vê thuốc, hơ ngải, xông hơi, thưởng thức món ăn dân dã. Sau khi có cái nhìn tổng quát về nghề thuốc Đông y, khách tham quan sẽ được xem vở diễn “Chuyện phố Hàng” với sự tham gia từ các diễn viên thuộc Nhà hát Tuổi trẻ.
“Chúng tôi đã tham khảo, chắt lọc để tái hiện một số nét chung của người Hà Nội giai đoạn này, không riêng gia đình bán thuốc”, bà Tuyết nói.
Trong ảnh là phân cảnh người con trai trong gia đình Đông y hơ ngải cho bệnh nhân.
Gia đình bán thuốc Đông y, gồm cậu, mợ, cậu con trai Tây học và gia nhân trong nhà. Ban đầu, cậu con trai không muốn theo nghiệp gia đình. Tuy nhiên, khi thấy cô gái (diễn viên bên trái) lâm bệnh, phải đến nhà thuốc chạy chữa, cậu cũng dốc lòng nghiên cứu, tìm phương thuốc kết hợp Đông – Tây y để cứu người. Từ đó, cậu cũng trân quý nghề thuốc Đông y truyền thống của gia đình.
Vở kịch hầu như không thoại, chủ yếu sử dụng ngôn ngữ cơ thể để du khách nước ngoài cũng dễ dàng xem và hiểu.
Phần phục dựng bối cảnh được bà Tuyết cùng các cộng sự tham khảo từ các nhà thuốc Đông y, chuyên gia sử học, tôn trọng lịch sử. Một số vật dụng cổ như dao cắt thuốc cũng được đưa vào vở diễn nhằm tái hiện chân thực đời sống trong căn nhà cổ 87 Mã Mây.
Cảnh diễn viên sử dụng dao cầu, cắt cây thuốc thành những phiến mỏng.
Gian trong của căn nhà cổ là không gian trải nghiệm các hoạt động làm thuốc. Trong hình là diễn viên đang tái hiện cách tán thuốc bằng chân. Họ sử dụng thuyền tán để tán thuốc khô thành bột.
Một góc vườn trồng những cây thuốc được tái hiện ở sân khấu chính.
Tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng” sẽ chính thức ra mắt vào 9/10, thời gian đầu chỉ thử nghiệm vào cuối tuần với số lượng 36 khách mỗi đoàn; mỗi ngày có hai tour vào buổi tối, kéo dài 45 phút, trong đó vở kịch dài khoảng 30 phút. Giá vé chính thức chưa được công bố. NSƯT Ánh Tuyết kỳ vọng sớm đưa tour thực cảnh đến rộng rãi khán giả trong tháng 10.
Trong hình là không gian tầng hai của căn nhà cổ với chiếc giường ba thành.
Nhà cổ Mã Mây là Di sản cấp quốc gia, mở cửa cả tuần từ 8h tới 17h, ba ngày cuối tuần mở tới 22h. Mỗi ngày, khoảng 100 khách tham quan nhà cổ này.
Căn nhà mang không gian đặc trưng của nhà truyền thống phố cổ với dạng hình ống, hẹp về chiều ngang nhưng rất sâu, các lớp nhà ngăn cách bằng những lớp sân trong. Lớp ngoài cùng là cửa hàng, mặt đường không làm tường vách mà mở thông ra phố, dùng để bày hàng và giao tiếp.
Trên tầng hai là gian thờ và phòng ngủ, giữa các lớp nhà có sân bày chậu cây cảnh, tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên.
Căn nhà cổ 87 Mã Mây được trùng tu từ cuối năm 1998, hoàn thành vào tháng 10/1999. Trong quá trình trùng tu, một số cấu trúc truyền thống bị thay đổi như thêm vách ngăn, xây dựng nhà ba tầng ở bên trong. Tuy nhiên, cấu trúc cơ bản vẫn giữ nguyên và công trình được khôi phục về dáng vẻ giống ban đầu.