Trái ngược với các năm trước, kể cả khi dịch COVID-19 bùng phát thì số tiền thu thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng, nhưng 9 tháng đầu năm nay lại giảm hơn 7.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu tình hình dự toán thu ngân sách của Bộ Tài chính, tính đến hết 9 tháng, số tiền thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt 121.200 tỉ đồng, bằng 78,4% dự toán. Nhưng điều đáng chú ý là so với cùng kỳ năm trước, số tiền thu được lại giảm tới hơn 7.200 tỉ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Tổng cục Thuế giải thích rằng số thuế thu nhập giảm so với năm trước là do số thu thuế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán giảm.
Tuy nhiên xét về tổng thể, trong 9 tháng đầu năm, số tiền thu từ thuế thu nhập cá nhân giảm hơn 7.200 tỉ đồng so với năm trước không phải là vấn đề lớn, đáng lo ngại.
Bởi trong cơ cấu thu của sắc thuế này thì thu từ tiền công tiền lương là chủ yếu, chiếm đến 85% tổng số thu thuế thu nhập cá nhân.
Số thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền công, tiền lương từ đầu năm đến nay vẫn ổn định. Do cá nhân có thu nhập cao vẫn đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Cũng phải nói thêm, số tiền thu thuế thu nhập cá nhân năm 2022 tăng đột biến là nhờ thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Riêng 8 tháng đầu năm, cá nhân giao dịch bất động sản đã đóng thuế thu nhập cá nhân tới hơn 26.800 tỉ đồng, còn cả năm là hơn 41.000 tỉ đồng, tăng 20.000 tỉ đồng so với năm 2021.
Về tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản, theo ông Nguyễn Văn Đính – phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh bất động sản Việt Nam, thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhưng giao dịch vẫn rất trầm lắng.
Cụ thể, quý 1 nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng, gần như “đứng im”. Sang quý 2, nhiều dự án đã chào bán trở lại với khoảng 3.700 giao dịch thành công. Còn tính 9 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 5.000 giao dịch thành công. Song con số này chỉ chiếm 10% so với điều kiện bình thường.
Về tín dụng đối với bất động sản, theo bà Hà Thu Giang – vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại các ngân hàng đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2022 và chiếm tỉ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Tuy nhiên tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm, trong khi đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất cao. Điều này cho thấy cầu tín dụng để mua bất động sản có xu hướng đi xuống, phần nào phản ánh sức mua của thị trường đang giảm so với thời điểm trước.
|