Những quan điểm kết tinh từ tầm vóc trí tuệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng bước đưa văn hóa trở thành “sức mạnh mềm,” là nền tảng để văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà văn hóa lớn, một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những quan điểm kết tinh từ tầm vóc trí tuệ của Tổng Bí thư và của Đảng ta trong giai đoạn vừa qua đã từng bước đưa văn hóa trở thành “sức mạnh mềm,” là nền tảng để phát triển đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Tầm hiểu biết sâu rộng về tri thức, văn hóa
Nói về những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển của văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người “Anh Cả” trong nền văn hóa đương đại Việt Nam. Ở ông có một sự am hiểu rất tinh tế, sâu sắc về văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là sự nghiệp văn hóa đã được Đảng,Nhà nước ta xây dựng, giữ gìn và phát triển đến hôm nay.
Theo ông Đỗ Hồng Quân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một tầm hiểu biết sâu rộng về tri thức, trong đó ông hiểu sâu và tường tận về các loại hình văn hóa và những loại hình văn học nghệ thuật, cũng như đặc điểm của từng lĩnh vực như văn chương, thơ ca, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật…
Ở mỗi ngành nghệ thuật biểu diễn hay văn học, mỹ thuật, Tổng Bí thư đều có những sự chỉ đạo cụ thể. Trong những lần đến dự những hội nghị quan trọng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những bài phát biểu, thể hiện sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới việc xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa nói chung, cũng như về văn học nghệ thuật nói riêng. Trong đó, Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ của cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra những vấn đề về lý luận và thực tiễn đối với văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày hôm nay, tiếp nối truyền thống của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thu, vận dụng, phát triển tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa lên tầm cao mới, nâng lên thành một chiến lược phát triển, đồng thời nhấn mạnh và đưa tầm quan trọng của văn hóa, của giới văn học nghệ thuật, cũng như giới sáng tạo vào một vị trí quan trọng: văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế-xã hội.
Riêng với văn học nghệ thuật, Tổng Bí thư đã ghi nhận những thành quả của cả một nền văn học nghệ thuật Việt Nam từ trước đến nay, đồng thời nêu những hạn chế mà văn học nghệ thuật phải khắc phục, vượt qua.
Trong những lần tham dự và phát biểu chỉ đạo tại các hội nghị về văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở làm sao để có được những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, rung động lòng người và sống mãi trong nhân dân. Đó không chỉ là câu hỏi, là sự trăn trở, là lời nhắc nhở, còn là một nhiệm vụ quan trọng Tổng Bí thư giao cho đội ngũ văn nghệ sỹ, bởi, để xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phải có những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc và nhiệm vụ đó nằm trên vai những văn nghệ sỹ.
Đối với phương hướng chỉ đạo về văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những tư tưởng rất sáng suốt và có tính chiến lược lâu dài. Đó là phát huy và xây dựng nền văn hóa Việt Nam một cách toàn diện và đồng bộ, không chỉ riêng một lĩnh vực nào; phát huy được vai trò chủ thể của văn hóa là nhân dân; đề cao vai trò của những văn nghệ sỹ, trí thức là những người sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật…
Tổng Bí thư cũng nhắc nhở, lưu ý đến việc phát triển, nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý văn hóa, nghệ thuật, những người làm công tác trực tiếp để vận hành văn hóa, bởi đây là điểm yếu cần khắc phục.
Phát triển văn hóa vì con người
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho rằng tư tưởng sâu sắc nhất Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra là phát triển văn hóa với mục đích tối thượng là vì con người.
Nếu phát triển văn hóa mà không hướng tới con người, không xây dựng chuẩn mực con người mới, lúc đó văn hóa không có động lực để phát triển. Tổng Bí thư cũng nhắc nhở, phải quan tâm đến thế hệ trẻ, những tài năng trẻ…
“Đội ngũ văn nghệ sỹ thấm nhuần đường lối, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật: Đó là phát triển văn hóa phải gắn với con người. Văn hóa phát triển con người và trong con người, ngoài tài năng cần có nhân cách, có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn đối với sự phát triển của xã hội… Đây là bài học lớn mà chúng tôi luôn ghi nhớ và thực hiện,” Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định.
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chia sẻ khi đọc lại những trước tác của Tổng Bí thư về văn hóa, đặc biệt là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư được kết tinh lại trong tuyển tập “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” vừa ra mắt mới đây, đội ngũ văn nghệ sỹ đã xác định đó chính là cẩm nang về phát triển văn hóa, là những bài học quý từ những thế hệ đi trước đã đúc kết.
Đó là những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật phải có những khát vọng lớn lao, các văn nghệ sỹ phải có lý tưởng cao cả, phải lăn lộn với cuộc sống, phải hòa nhịp đập tim mình với trái tim dân tộc… đến lúc đó mới có cảm nhận sâu sắc và sáng tác được những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn, xuất sắc, có tầm nhìn xa, nhìn rộng, có tính dự báo đối với xã hội.
Đó là những lời nhắn nhủ, những bài học sâu sắc giới văn nghệ sỹ không bao giờ quên, luôn khắc ghi và coi đó là kim chỉ nam trong hoạt động sáng tạo, để xứng đáng với trách nhiệm cao cả là định hướng, dẫn dắt con người đến những giá trị chân-thiện-mỹ của cuộc sống.
Theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm và đau đáu với việc phát triển văn hóa, phát triển con người.
Tổng Bí thư cho rằng có phát triển văn hóa, phát triển con người, đất nước mới hùng cường. Quan điểm đó của Tổng Bí thư giúp văn nghệ sỹ có thêm niềm tin, thêm sự hứng khởi và bằng những khát vọng vươn lên để tiếp tục con đường Tổng Bí thư đã đi, tiếp nối tư tưởng chỉ đạo để hiện thực hóa và từng bước xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có những màu sắc riêng, bản lĩnh riêng trên trường quốc tế.
“Tổng Bí thư mất đi, chúng ta ngoài mất đi một vị lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, của nhân dân, còn mất đi một người “Anh Cả” của nền văn hóa Việt Nam. Những trước tác cùng những tư tưởng của Tổng Bí thư để lại đã trở thành những cẩm nang về văn hóa đối với văn nghệ sỹ chúng tôi. Khi đọc những bài viết, những chỉ đạo của Tổng Bí thư từ những năm cuối thế kỷ 20 cho đến những bài phát biểu cuối cùng của Tổng Bí thư, chúng ta thấy một phần trong cuộc đời của Tổng Bí thư là dành cho văn hóa,” nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân bày tỏ./.