Ngày 24/07, tại TP Hạ Long, Hội Nhà báo tỉnh và Học viện báo chí và tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học “Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới”.
Trước khi bắt đầu tọa đàm, các đại biểu đã thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp nhà nước nghiên cứu vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới. Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tọa đàm khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy Học viện báo chí và tuyên truyền, Chủ tịch Hội đồng Trường nhấn mạnh: Tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra nhiều thách thức mới cho nền báo chí – truyền thông của Việt Nam hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải “xây dựng nền báo chí – truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng cần được phổ biến, vận dụng, phát huy trong bối cảnh phát triển mới. Đây là những vấn đề rất khó, phức tạp và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá thực trạng vận dụng và phát triển sáng tạo trong công cuộc đổi mới hiện nay một cách khách quan, toàn diện, hệ thống. Xuất phát từ thực tế này, tọa đàm với chủ đề: “Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới” là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, các cơ quan báo chí – truyền thông ở Trung ương và địa phương trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông Việt Nam thời kỳ mới.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo đã tham luận các chủ đề: Xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ báo chí – truyền thông theo tư tưởng Hồ Chí Minh và Quy định 144-QĐ/TW; Những vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển báo chí truyền thông thời kỳ đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về năng lực của nhà báo cách mạng trong điều kiện hiện nay….
Tham luận với chủ đề “Vận dụng phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí truyền thông tại Quảng Ninh”, đồng chí Nguyễn Thế Lãm, Giám đốc, Tổng biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh khẳng định: Tại Quảng Ninh, trong suốt chiều dài lịch sử đã chứng kiến nhiều dấu ấn đổi mới của báo chí Vùng mỏ nhằm tìm tòi những hướng đi, những giải pháp để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh. Báo chí Quảng Ninh đã vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm, tư tưởng của Người trong xây dựng nền báo chí cách mạng nhằm không ngừng xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển của địa phương. Nền báo chí Quảng Ninh được hình thành sớm, từ cuối năm 1928, ngay trong ngày thành lập Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, những người cộng sản đầu tiên ở Vùng Mỏ đã quyết định xuất bản một tờ báo lấy tên là Báo Than, viết trên nửa trang giấy thếp học trò khổ nhỏ, phát hành trong công nhân mỏ để tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng. Sau báo Than, hàng loạt các tờ báo cách mạng, kháng chiến ở Khu Mỏ – Quảng Ninh ra đời. Đến năm 1983, truyền hình Quảng Ninh cũng chính thức được phát sóng và Quảng Ninh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc đầu tư xây dựng truyền hình. Trong các giai đoạn phát triển, báo chí Quảng Ninh luôn là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, góp phần cùng báo chí cả nước thực hiện sứ mệnh mà Đảng giao phó. Một trong những quyết sách mang tính bước ngoặt của Quảng Ninh trong lĩnh vực báo chí – truyền thông, thể hiện sự sáng tạo trong vận dụng tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí thời kỳ mới là sáp nhập Báo Quảng Ninh, Đài PTTH Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Báo Hạ Long thành Trung tâm Truyền thông tỉnh vào tháng 1 năm 2019. Đây là mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh đầu tiên của cả nước, thực hiện hiệu quả mô hình “toà soạn hội tụ”, khai thác được sức mạnh của các loại hình báo chí. Các chiến dịch truyền thông tại Quảng Ninh được thực hiện bàn bản và trở thành các đợt sinh hoạt chính trị trên báo chí, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo, tinh thần đổi mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong thời gian qua, các tác phẩm báo chí Quảng Ninh không ngừng sáng tạo theo hướng chú trọng chất lượng, đổi mới, nhưng luôn giữ vững quan điểm, đường lối chính trị của Đảng; tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh để phản ánh sinh động về công cuộc đổi mới, những chủ trương, chính sách, cách làm hiệu quả… Tập trung xây dựng các tác phẩm chất lượng cao, nhiều tác phẩm có tính tư tưởng cao, tổng kết thực tiễn về những nội dung lớn của tỉnh và được trao giải cao nhất tại giải báo chí Quốc gia, tiêu biểu như tác phẩm: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng – Nhìn từ tinh giải bộ máy, biên chế ở Quảng Ninh (giải A giải báo chí Quốc gia năm 2014); tác phẩm Kiểm soát quyền lực của cán bộ – thực tiễn tại địa phương (Giải A giải báo chí Quốc gia năm 2022). Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng luôn là những giá trị trường tồn cho các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nghiên cứu và vận dụng. Bối cảnh truyền thông trong thời đại số hiện nay càng đòi hỏi sự nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những quan điểm, tư tưởng đó để báo chí thực sự ngày càng đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc.
Thông qua tọa đàm các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các cấp quản lý cơ quan báo chí – truyền thông ở Trung ương và địa phương đã trao đổi, thảo luận vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông Việt Nam thời kỳ mới, nêu cao đạo đức, trách nhiệm của nhà báo trong giai đoạn hiện nay.