Chiều 12/4, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Tham dự có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Quảng Ninh hiện là 1 trong 3 đầu tàu phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, liên thông, tổng thể đứng đầu khu vực phía Bắc. Song hành với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 thực hiện ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường…
Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng không phát triển thêm các nguồn nhiệt điện than, bổ sung vào đó là các nguồn điện gió, điện khí, điện rác, điện mặt trời… Tỉnh đã áp dụng thực hiện nội dung bảo vệ môi trường vào các nhiệm vụ quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong đó chú trọng ưu tiên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường. Hiện nay, các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường tại Nghị quyết Đại hội XIII đề ra đã cơ bản đạt (trước hạn năm 2025), gồm: Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đạt 98%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99,9%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97,3%…
Tỉnh xác định bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế xã hội bền vững vì vậy mong muốn thời gian tới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; góp phần đưa Quảng Ninh phát triển toàn diện, bền vững hơn.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và hiến kế một số giải pháp liên quan đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện tại sang tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn; định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh; định hướng phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái – chính sách về khuyến khích đầu tư áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, những thuận lợi và khó khăn trong triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định qua những giải pháp và kết quả thực tế đã đạt được trong thời gian qua cho thấy, Quảng Ninh đã xác lập được tầm nhìn và triển khai thực hiện một cách bài bản, đồng bộ công tác bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt với việc xác lập 4 trụ cột chính trong phát triển là kinh tế – xã hội – môi trường – an ninh, Quảng Ninh đã khẳng định tầm quan trọng của môi trường đối với sự phát triển bền vững của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh cũng cũng có cách tiếp cận, cách làm mang tính sáng tạo như: Chủ động triển khai thực hiện các chỉ số đánh giá về môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn. Những kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tiễn Quảng Ninh là những căn cứ rất quan trọng để các cơ quan trung ương tổng kết, khái quát thành những mô hình lý luận mang tính định hướng cho sự phát triển chung của cả nước.