Ngày 11/3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản). Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp. Phiên họp được truyền trực tiếp tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự cuộc họp tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, giúp cho thị trường BĐS vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, thị trường BĐS và các doanh nghiệp BĐS vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước. Trong đó nguyên nhân trong nước do nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển và còn một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để như: Nhiều dự án BĐS tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện; sức mua và thanh khoản giảm mạnh; số lượng dự án phát triển nhà ở được chấp thuận mới và hoàn thành giảm so với các năm trước đây, dẫn đến nguồn cung cho thị trường khá hạn chế; giá nhà ở lại có xu hướng tăng, vượt quá khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân có nhu cầu mua để sử dụng; các khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý, nguồn vốn tín dụng; giải quyết thủ tục hành chính của một số địa phương còn chậm…
Trong năm 2023, Tổ công tác đã nhận được 142 văn bản báo cáo khó khăn vướng mắc và kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 191 dự án BĐS; 2 tháng đầu năm 2024, Tổ công tác nhận được 4 văn bản báo cáo khó khăn vướng mắc liên quan đến 4 dự án BĐS. Tổ công tác đã xem xét, xử lý các văn bản và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án theo thẩm quyền.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện dự án BĐS. Các thành viên Tổ công tác đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu nhà ở, kinh doanh BĐS; rà soát tổng thể các quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân tại các quỹ đất xen kẹp; đẩy mạnh việc rà soát, trình phê duyệt các lớp quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…
Tại cuộc họp, Tổ công tác và các đại biểu cũng đã chỉ ra các bất cập vẫn còn tồn tại, từ đó đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của các địa phương, nhất là trong bối cảnh sau khi các Luật mới vừa được ban hành.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Tổ công tác của Chính phủ và các địa phương cần xác định rõ vướng mắc do đâu, và vướng ở bộ phận nào thì bộ phận đó phải vào cuộc giải quyết dứt điểm. Trong thời gian tới, Tổ công tác của Chính phủ phải kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS, tạo thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Đối với các địa phương cần giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát; tích cực chủ động tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án nhất là các dự án lớn để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, liên quan đến các thủ tục thuộc thẩm quyền về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở.
Đối với các doanh nghiệp chủ động rà soát về thủ tục pháp lý, nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền.