Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2030, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, hiện nay TKV đang đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết các hoạt động trên nền tảng số, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
Công ty Than Uông Bí là một trong những đơn vị tiêu biểu ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV. Trước đây, việc giao ca tại các phân xưởng Công ty Than Uông Bí được thực hiện bằng hình thức viết lệnh sản xuất thủ công. Quy trình này tốn nhiều công sức, thời gian, trong khi đó việc quản lý các giấy tờ liên quan dễ bị nhầm lẫn, thất lạc… Trước thực trạng đó, giữa năm 2020, Công ty Than Uông Bí đã ứng dụng công trình viết lệnh sản xuất, bàn giao ca và nhận diện khuôn mặt trên phần mềm chỉ huy sản xuất.
Phần mềm viết lệnh sản xuất, bàn giao ca và nhận diện khuôn mặt trên phần mềm chỉ huy sản xuất gồm 4 nội dung chính là: Hệ thống từ điển, lệnh sản xuất, nhận diện khuôn mặt và vân tay. Đáng chú ý, phần lệnh sản xuất chứa các lệnh cho phép tạo và viết các lệnh sản xuất, sổ giao nhận ca, thay cho việc phải viết tay và ghi sổ trước đây.
Bên cạnh đó, người lao động khi đến làm việc sẽ được nhận diện khuôn mặt, vân tay chấm công thay cho việc điểm danh như trước. Điều này sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hữu ích cho công nhân. Đồng thời việc quản lý ngày công lao động được siết chặt, độ chính xác 100%. Đến nay, 100% phân xưởng, phòng ban của Than Uông Bí đã ứng dụng phần mềm tin học này vào quản lý, điều hành sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
Theo lãnh đạo Công ty Than Uông Bí, việc áp dụng phần mềm viết lệnh sản xuất, bàn giao ca và nhận diện khuôn mặt trên phần mềm chỉ huy sản xuất giúp Công ty thay đổi tư duy, phong cách làm việc cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên từ giấy tờ truyền thống sang quản lý trên các hệ thống phần mềm. Qua đó giúp Công ty đẩy nhanh tiến độ luân chuyển chứng từ, quản lý chặt chẽ chính xác vật tư, kho, bãi, tiết kiệm văn phòng phẩm. Trung bình mỗi năm, Công ty tiết kiệm 2 tỷ đồng văn phòng phẩm nhờ áp dụng phần mềm viết lệnh sản xuất, bàn giao ca và nhận diện khuôn mặt trên phần mềm chỉ huy sản xuất.
Cùng với Công ty Than Uông Bí hiện nay, hầu hết các đơn vị sản xuất than của TKV đang ứng dụng phần mềm trong công tác giao ca, nhận lệnh tích hợp với các phần mềm quản lý vật tư đã rút ngắn thời gian rất nhiều cho quản đốc, người lao động vào ca và quá trình quản lý hoạt động sản xuất có được số liệu nhanh, chính xác kịp thời. Một số đơn vị đã thực hiện số hoá các hoạt động quản lý như: Tổng Công ty Hoá chất mỏ, Tổng Công ty Khoáng sản, Công ty CP Than Cao sơn, Công ty Cảng và Kho vận Cẩm Phả… Trong đó, đã xây dựng hạ tầng kết nối mạng nội bộ trong văn phòng tổng công ty và các đơn vị; triển khai các giải pháp phần mềm ERP dùng chung trong toàn tổng công ty; hệ thống báo cáo thông minh dữ liệu được tập trung khai thác từ mọi khâu của các đơn vị cho lãnh đạo nhanh chóng kịp thời trợ giúp thông tin trong quá trình ra quyết định.
Bên cạnh đó, tại các nhà máy sản xuất cơ khí của TKV đang từng bước nhân rộng áp dụng các dây chuyền, công đoạn robot hiện đại vào trong sản xuất. Tiêu biểu, dây chuyền robot vận hành máy tiện CNC tại Công ty CP Công nghiệp Ô tô; robot tự động hàn máng cào tại Công ty Cơ khí Mạo Khê…
Từ năm 2021 đến nay, TKV ứng dụng hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; triển khai hệ thống hóa đơn điện tử với phần mềm báo cáo kế toán hợp nhất. Nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc (Portal) phục vụ cho việc điều hành nhanh chóng thuận tiện. TKV đã hoàn thiện và xây dựng trung tâm dữ liệu của Tập đoàn tại toà nhà mới Hà Nội và Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh. Đây là những phần mềm hiện đại giúp các đơn vị TKV ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất.
Dựa trên nền tảng hạ tầng sẵn có và những thành tựu ban đầu của công cuộc chuyển đổi số, thời gian tới, TKV sẽ tập trung hoàn thiện mô hình quản lý, tiếp nhận nền quản trị thông minh, trong đó sẽ ưu tiên cập nhật mô hình quản trị hiện đại, tái cấu trúc sản xuất; áp dụng quản lý bằng hình thức điện tử toàn ngành Than. Đồng thời đầu tư chiều sâu vào hiện đại hóa, tự động hóa, thông minh hóa hệ thống khai thác hầm lò, vận chuyển, sàng tuyển, vận tải.