Thời gian gần đây, các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đầu tư và nhân rộng nhiều trạm rửa ô tô tự động ra, vào các tuyến đường mỏ với khu dân cư. Giải pháp này giúp các đơn vị kiểm soát, hạn chế tối đa lượng bụi phát tán từ khai trường ra môi trường xung quanh.
Từ năm 2021 trở về trước, tuyến đường Võ Thị Sáu, phường Cẩm Phú (TP Cẩm Phả) đoạn từ trụ sở Công ty CP Than Cọc Sáu (nay là Công ty CP Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV) là điểm “nóng” về tình trạng bụi than phát tán ảnh hưởng tới các hộ dân xung quanh. Đây là một trong những tuyến đường chính lên khai trường Công ty CP Than Cọc Sáu trước đây. Người dân sinh sống dọc tuyến đường này từng phản ánh vào những ngày nắng là tình trạng bụi bẩn, còn vào mùa mưa thì đường nhầy nhụa bùn than.
Trung bình mỗi ngày, có hàng trăm chuyến xe chở cán bộ, công nhân đơn vị lên, xuống khai trường mỏ. Xe ra, vào khai trường mỏ không được rửa kịp thời làm lượng bụi than bám theo. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều năm trở về trước, tuyến đường Võ Thị Sáu thường xuyên bị bụi than bủa vây, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân nơi đây.
Để giải quyết vấn đề này, cuối năm 2020, TKV đã đầu tư lắp đặt hệ thống rửa toa xe và trạm rửa ô tô tự động khu vực máng ga Cọc Sáu. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 8,7 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình thực hiện cam kết giữa TKV với TP Cẩm Phả về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, hệ thống gồm hai vị trí riêng biệt, trong đó mặt bằng trạm rửa toa xe có diện tích gần 645m² và trạm rửa xe ô tô tự động có diện tích 485m² được xây dựng tại khu vực máng ga Cọc Sáu thuộc mặt bằng sân công nghiệp của Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV và tại mặt bằng trạm bảo vệ số 2 thuộc Công ty CP Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV.
Đầu tháng 1/2021, công trình chính thức đưa vào hoạt động, qua đó giúp giảm nồng độ bụi, bảo vệ môi trường trong khai trường các đơn vị ngành than và hạn chế tối đa lượng than, xít, đất đá phát tán ra các khu vực dân cư dọc theo tuyến đường vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt. Hiện nay, phường Cẩm Phú cũng đang phối hợp với Công ty CP Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV giám sát chặt chẽ yêu cầu các phương tiện rửa xe sạch sẽ trước khi ra khỏi khai trường.
Anh Phạm Thế Cường, nhân viên lái xe Công ty CP Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV, cho biết: Trước đây, mỗi lần chở cán bộ, công nhân viên lên khai trường, bụi bẩn than thường bám nhiều ở bánh, gầm, thân và thùng xe. Khi điều khiển xe ra khỏi khai trường đi vào các khu dân cư chúng tôi khá áp lực vì phương tiện hay gây bụi bẩn đến các tuyến đường xung quanh. Thế nhưng, từ khi đưa trạm rửa xe ô tô tự động vào hoạt động thấy khá hiệu quả, tiện lợi, tiết kiệm chi phí và thời gian rửa xe nhanh chóng. Hiện, 100% đội xe của đơn vị đều ký cam kết rửa xe trước khi ra, vào tuyến đường nội thành góp phần giảm bụi bẩn, sạch đẹp hơn trước.
Thực hiện chủ trương gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để tình trạng bụi phát tán ra môi trường xung quanh, thời gian gần đây, TKV đang khuyến khích các đơn vị đầu tư hệ thống rửa ô tô kết hợp phun sương tự động các tuyến đường ra, vào khai trường mỏ với khu dân cư lân cận. Đến nay, TKV đã đầu tư 4 trạm rửa xe tự động. Trong đó, Công ty CP Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV có 2 trạm rửa xe tự động; Công ty CP Than Hà Tu đầu tư 1 trạm và Công ty CP Than Quang Hanh 1 trạm. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, TKV sẽ tiếp tục đầu tư 2 trạm rửa xe tự động tại Công ty CP Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV và Công ty Than Khe Chàm.
Để các xe ra vào khai trường hạn chế bùn đất phát tán ra môi trường, hiện nay, các địa phương đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị ngành Than đóng chân trên địa bàn thực hiện kiểm tra, rà soát thực tế số lượng đầu xe, yêu cầu chấp hành nghiêm rửa xe trước khi ra, vào tuyến đường nội thành. Đến thời điểm này, việc rửa xe đã được các đơn vị vận tải chấp hành khá nghiêm túc, nhiều đơn vị còn cử người giám sát việc thực hiện rửa xe của các lái xe. Cùng với việc đầu tư nhân rộng các trạm rửa xe ô tô tự động và duy trì chế tài xử lý nghiêm giúp xe ra vào công trường mỏ luôn được đảm bảo sạch sẽ trước khi lưu thông trên tuyến đường chuyên dùng đi qua nhiều khu dân cư.