Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước, trong năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ nhập khẩu gần 15 triệu tấn than để pha trộn với than trong nước. Cùng với việc đảm bảo các điều kiện về tiếp nhận than nhập khẩu, TKV cũng đã chỉ đạo các đơn vị sàng tuyển, chế biến triển khai nghiêm ngặt các phương án kỹ thuật pha trộn, đảm bảo chủng loại và giá thành.
Là đầu mối chính trong sàng tuyển, tiêu thụ than của TKV, năm 2024, Công ty Tuyển than Cửa Ông được giao nhiệm vụ tiếp nhận trên 14,3 triệu tấn, tiêu thụ 13,1 triệu tấn. Trong đó, riêng than nhập khẩu là 1,113 triệu tấn, than sau pha trộn giữa than nhập khẩu và than trong nước là 2,543 triệu tấn.
Than nhập khẩu chủ yếu đến từ các nước như Nam Phi, Australia, Zimbabwe, Indonesia, Lào. Than được bốc từ phương tiện thủy tại cảng chính Cẩm Phả và Kho nội địa 3 lên bờ, sau đó được vận chuyển về hai nhà máy Tuyển than 1 và Tuyển than 3 để pha trộn. Quá trình pha trộn tại hai nhà máy sẽ giảm sự chênh lệch về chất đốt giữa than nhập khẩu và than trong nước để ra một chủng loại than mới đảm bảo trung bình tiêu chuẩn. Sau đó, than sẽ tiếp tục được đưa ra các đơn vị kho, bến để pha trộn lần hai cho ra các chủng loại than khác nhau theo nhu cầu của từng khách hàng.
Cùng với việc đảm bảo về chủng loại, chất lượng than pha trộn, vấn đề về giá thành cũng được Công ty Tuyển than Cửa Ông đặc biệt quan tâm, trong đó tỷ lệ than pha trộn sẽ có tác động chính tới giá thành. Nếu như năm 2023, tỷ lệ pha trộn là 66% than trong nước, 34% than nhập khẩu, thì năm nay lượng than nhập khẩu sẽ tăng lên, than trong nước sẽ giảm đi, với tỷ lệ nhập khẩu 42%, trong nước 58%. Trên cơ sở kế hoạch giao tỷ lệ than pha trộn từ đầu năm, Công ty đã chủ động, bám sát lịch trình giao nhận và chất lượng than nhập khẩu để có kế hoạch đưa than trong nước vào pha trộn một cách hợp lý, nhất là các loại than trong nước giá thành rẻ như cám 7, cám 8. Nhờ đó, giá vốn than đầu vào sẽ thấp hơn giá thành than bán ra, giúp đảm bảo mục tiêu kinh doanh có lãi của công ty nói riêng và TKV nói chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Công ty Tuyển than Cửa Ông, cho biết: Sau khi nhận nhiệm vụ TKV giao, Công ty đã chỉ đạo các phòng ban, đặc biệt là Phòng Kỹ thuật công nghệ, tiến hành xây dựng các phương án pha trộn, đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Trong đó xây dựng các phương án mẫu trong công tác pha trộn, trên cơ sở đó, các nhà máy, phân xưởng bám sát vào phương án mẫu đó để thực hiện đảm bảo giá thành và các thông số kỹ thuật sau pha trộn, nhất là về chất bốc và nhiệt năng.
Công ty Tuyển than Hòn Gai cũng là một trong những đầu mối quan trọng của TKV thực hiện tiếp nhận, pha trộn than nhập khẩu với than trong nước. Năm 2024, đơn vị này được giao pha trộn 1,2 triệu tấn than nhập khẩu với gần 800.000 tấn than trong nước, để ra được 2 triệu tấn than sau pha trộn, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.
Để đảm bảo độ đồng đều trong sản phẩm sau pha trộn, Công ty tiến hành pha trộn trong dây chuyền của Trung tâm chế biến than, cấp liệu đồng thời than nguyên khai trong nước và than nhập khẩu theo tỷ lệ đã được lên phương án từ trước.
Ông Đỗ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai, cho biết: Năm nay, tỷ lệ than nhập khẩu vào pha trộn của công ty là 61%, tăng hơn so với năm trước nên ngay từ đầu năm, các hệ thống dây chuyền đã được rà soát, củng cố, đảm bảo hoạt động đồng bộ, từ việc tiếp nhận than đến công đoạn pha trộn. Sản phẩm pha trộn trong dây chuyền sản xuất của công ty đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng để cung cấp cho các nhà máy Nhiệt điện.
Để đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, TKV đang đẩy mạnh việc đầu tư các dự án mỏ mới. Tuy nhiên, thời gian triển khai đầu tư các dự án này sẽ cần rất nhiều thời gian. Do đó, việc tăng cường nhập khẩu than, riêng năm nay sẽ nhập khẩu gần 15 triệu tấn, được xác định là giải pháp quan trọng giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Cùng với việc đảm bảo các điều kiện tiếp nhận than, thì nỗ lực của các đơn vị khối sàng tuyển trong đảm bảo chủng loại, phẩm cấp, giá thành than pha trộn sẽ giúp TKV hoàn thành nhiệm vụ cung cấp than cho nền kinh tế. Năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam phấn đấu tiêu thụ 50 triệu tấn than.