Cần xem xét lại ngưỡng doanh thu tính thuế, mức 200 triệu đồng/năm là quá thấp. Cũng không nên quy định cứng nhắc mức CPI biến động 20% mới điều chỉnh doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo đó, nên căn cứ vào CPI biến động hằng năm để nâng ngưỡng doanh thu này.
Nhiều chuyên gia và người dân đều đề xuất như vậy khi nói về dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi vừa được Chính phủ trình lên Quốc hội vào tuần qua, và dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26-11 tới.
Theo dự thảo luật, doanh thu tính thuế của hộ cá nhân kinh doanh sẽ được nâng lên trên 200 triệu đồng, thay vì 100 triệu đồng như hiện tại.
“Mỗi ngày bán một bó hoa vẫn phải nộp thuế”!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Hoàng Quỳnh Như (chủ cửa hàng hoa tươi trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) cũng cho rằng mức doanh thu bán hàng trên 200 triệu đồng/năm phải nộp thuế là quá vô lý. Bởi chi phí kinh doanh giá cả hàng hóa, mặt bằng kinh doanh, nhân công, điện, nước, phí vận chuyển… tăng 3-5 lần so với 10 năm trước.
Và kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên người buôn bán nhỏ phải co kéo mới đủ chi phí và lấy công làm lãi là chính.
“Với ngưỡng doanh thu tính thuế VAT trên 200 triệu đồng/năm, tức chỉ khoảng 550.000 đồng/ngày, đã thuộc diện nộp thuế VAT rồi. Như vậy, mỗi ngày tôi bán được một bó hoa là phải nộp thuế”, chị Như nói.
Trong khi đó, người kinh doanh nhỏ không được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. “Ngưỡng giảm trừ cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tăng từ 4 triệu lên 9 triệu và từ năm 2020 tăng lên 11 triệu đồng, nhưng ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với người kinh doanh nhỏ thì đứng im suốt 10 năm nay và buôn bán lỗ cũng phải nộp thuế”, chị Như bức xúc.
Chị Ngọc Hà, chủ một quán phở gà nhỏ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), cũng cho hay chị bán hàng tại nhà, lấy công làm lời. Dù không mất tiền mặt bằng nhưng mấy năm gần đây chi phí gas, điện, giá nguyên vật liệu… kéo nhau tăng. Trong khi đó, gia đình chị phải mướn thêm hai người phụ việc bưng bê, rửa chén, dọn dẹp…
Thế nhưng, ngành thuế quy định doanh thu chỉ 550.000 đồng/ngày là phải nộp thuế là không hợp lý chút nào. “Với giá mỗi tô phở hiện nay 40.000 – 50.000 đồng, tính ra bán 11 – 13 tô phở là đã phải nộp thuế rồi, rất bất hợp lý”, chị Ngọc Hà nói.
Do đó, theo chị Hà, cần nâng cao hơn nữa ngưỡng doanh thu chịu thuế vì các hộ kinh doanh như chị hầu hết làm theo quy mô hộ gia đình, ít nhất cũng 3-4 người cùng làm và họ cũng không được tính giảm trừ gia cảnh gì cả.
Trong khi đó anh Minh Phú (TP Thủ Đức) nói sau 10 năm và nhiều lần đề xuất mới nâng mức doanh thu chịu thuế, nhưng mức nâng không bõ bèn gì với biến động giá cả thời gian qua.
“Năm nay là năm kinh tế buồn, hàng quán đìu hiu, chúng tôi cũng cố bám trụ để qua giai đoạn khó khăn nên rất cần sự động viên thông qua chính sách thuế”, anh Phú nói.
Nên bỏ quy định CPI biến động 20%
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế cao cấp, đề nghị Chính phủ cần đưa ra căn cứ thuyết phục khi chọn ngưỡng doanh thu tính thuế VAT đối với hộ, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ mỗi năm 200 triệu đồng. Tại sao lại là 200 triệu đồng?
Ông Tú cũng cho rằng nếu áp dụng quy định khi CPI biến động 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh ngưỡng này như tại dự thảo thì sẽ “giẫm vào vết xe đổ” của mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN. Quy định cứng nhắc mức CPI biến động 20% tức là người nộp thuế phải đợi đến 6-7 năm ngưỡng doanh thu mới được điều chỉnh.
“Không nên quy định cứng vào trong luật một mức cụ thể và quá cao như vậy, vì nó sẽ gây bất lợi cho người nộp thuế. Bất cập trong quy định của Luật Thuế TNCN về mức giảm trừ gia cảnh đã thấy rõ” – ông Tú khuyến cáo và góp ý thêm nên căn cứ vào CPI biến động hằng năm để nâng ngưỡng doanh thu này nhằm đảm bảo công bằng và sòng phẳng với người nộp thuế.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngưỡng doanh thu tính thuế của hộ và cá nhân kinh doanh không nên chỉ căn cứ vào biến động của CPI mà còn theo GDP, lương cơ sở, lương tối thiểu… nữa đảm bảo chính sách thuế không lỗi thời, lạc hậu so với thực tế phát triển kinh tế – xã hội.
Vì trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội phục vụ cho kỳ họp này nêu rõ mức doanh thu 100 triệu đồng/năm, nếu được tính theo tỉ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay sẽ là 285 triệu đồng.
“Do đó việc quy định mức doanh thu cần phải đảm bảo không lỗi thời, lạc hậu ngay khi luật sửa đổi được ban hành. Mặt khác, chính sách thuế không phải chỉ là để thu thuế mà còn phải động viên, khuyến khích hộ kinh doanh mở rộng kinh doanh, gia tăng doanh thu và thành lập doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động minh bạch”, một chuyên gia nói.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng kinh nghiệm từ thuế TNCN cho thấy không nên cột mức điều chỉnh vào biến động của CPI vì không phù hợp với thực tế và mỗi lần điều chỉnh rất khó khăn. Trong trường hợp bắt buộc, chỉ nên quy định mức biến động 10% chứ không nên để “cao chót vót” như vậy.
“Trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, rất cần các chính sách khuyến khích để các hộ kinh doanh có thể làm ăn được, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân”, ông Sơn nói.