Đúng dịp Quốc khánh 2/9/2023, Quảng Ninh chính thức hoàn thành cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341, gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023). Đến nay, sau hơn một tháng đưa vào khai thác, tuyến đường đã sớm phát huy hiệu quả sau đầu tư. Không chỉ góp phần cải thiện đời sống, nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực mà còn là động lực quan trọng kết nối các cửa khẩu, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa.
Với mục tiêu để mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tăng cường liên kết vùng; tạo kết nối giao thông thuận lợi giữa KKT cửa khẩu Móng Cái và KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông theo định hướng phát triển hạ tầng cơ bản tại các KKT cửa khẩu… Quảng Ninh đã quyết định đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341 có tổng chiều dài 35,26km, điểm đầu kết nối từ Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, đến QL18A tại Km282+700, phường Hải Yên, TP Móng Cái.
Anh Nịnh Văn Chắn (thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái) cho biết: Sau hơn một tháng có đường mới, bà con trong vùng ai cũng vui mừng. Trước đây, dù là đường trục chính các xã biên giới, nhưng đường rất xấu, nhỏ hẹp, xuống cấp, bụi vào ngày nắng và trơn lầy vào ngày mưa. Người dân trong thôn có việc xuống thành phố phải mất gần 3h đồng hồ để di chuyển quãng đường hơn 20km… Đến nay, đường hoàn thành, việc đi lại đã rất thuận lợi, chỉ mất chừng 30 phút từ thôn xuống phố, việc vận chuyển, trao đổi hàng hoá của bà con cũng dễ dàng hơn. Nông sản làm ra sẽ được thương lái đến tận nơi thu mua, bà con không lo mang đi bán nữa…
Bên cạnh vai trò nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, tuyến đường còn là trục giao thông quan trọng kết nối 2 KKT cửa khẩu Móng Cái – Bắc Phong Sinh, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể. Từ khi khánh thành và đưa vào khai thác, sử dụng dịp đầu tháng 9/2023 đến nay, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan qua các cửa khẩu đã tăng đáng kể. Trong đó, riêng các cửa khẩu tại TP Móng Cái tăng gần 30%, so với tháng 8/2023, đạt gần 150.000 tấn hàng hóa.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng. Điều này phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Từ đó, mở ra không gian và dư địa phát triển mới mang tính đột phá, tạo nên hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với các KCN, KKT trọng điểm trên địa bàn tỉnh, tạo ra lợi thế cạnh tranh thúc đẩy hợp tác quốc tế; tạo sức hút mạnh về vận tải hàng hóa thông qua tuyến tới các KKT cửa khẩu Móng Cái và ngược lại. Đồng thời góp phần tăng cường giao lưu kinh tế, hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.
Tuyến đường kết nối các cửa khẩu được đưa vào sử dụng, được nối đến trục cao tốc dọc tỉnh liên thông với tuyến cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái trở thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam gần 600km, trở thành trục giao thông thuận lợi, kết nối liên vùng, nội vùng, động lực để thúc đẩy giao lưu hàng hóa, thu hút các dự án đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào dân tộc, vùng núi khó khăn, xóa đói giảm nghèo và làm giàu khu vực biên giới.
Cùng với việc khánh thành, đưa tỉnh lộ 341 vào khai thác, gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, hiện Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hàng loạt công trình giao thông chiến lược tại miền núi, vùng đồng bào dân tộc như: Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 342 nối Hạ Long – Ba Chẽ – Lạng Sơn; đường nối Hạ Long – Bắc Giang; đường nối Sơn Dương – Đồng Lâm, Đồng Sơn và nhiều công trình giao thông trọng điểm, động lực, quan trọng khác. Trong đó, có nhiều dự án chiến lược tại miền núi, vùng đồng bào dân tộc, công trình kết nối vùng.
Điều này sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu cải thiện, đầu tư đồng bộ, toàn diện hạ tầng giao thông kết nối; tạo điều kiện để đẩy mạnh triển khai các chính sách dân tộc, hỗ trợ vùng khó, hỗ trợ giáo dục, y tế, việc làm… giúp người dân vùng khó, vùng đồng bào DTTS thụ hưởng kịp thời những chương trình, dự án, chính sách của tỉnh và Trung ương, từng bước kéo gần khoảng cách chênh lệch vùng miền trong tỉnh.