Tuần từ ngày 1 – 7/4, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận: Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 địa phương; Kỳ họp thứ 39 của UBKT Trung ương xem xét nhiều nội dung quan trọng; Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ; hệ thống của PVOIL bị hacker tấn công; chủ trương tách một số trường công lập tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; diễn biến mới hàng loạt vụ án kinh tế “nóng”…
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 địa phương
Trong tuần qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 địa phương đánh giá tình hình kinh tế xã hội quý I/2024, đề ra nhiệm vụ công tác tháng 4 và quý II/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Quý I/2024, hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội đều khởi sắc hơn so với quý I/2023: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được củng cố; chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; công tác văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội có những điểm sáng; công tác phòng chống tham nhũng được tăng cường; công tác đối ngoại được đẩy mạnh… Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm, thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro, tiến độ của nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm bị ảnh hưởng do thiếu cát lấp nền, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…
Nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm “5 quyết tâm”: Khắc phục mọi khó khăn, thách thức; thực hiện “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”, luôn theo phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật; nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó là “5 bảo đảm”: Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển minh bạch thị trường bất động sản, vốn; triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/202 và an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Thủ tướng cũng yêu cầu “5 đẩy mạnh”: Tăng trưởng kinh tế trên tất cả lĩnh vực và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành mới nổi; huy động mọi nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển, giải quyết vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân; hoàn thiện thể chế, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển thời kỳ mới; thúc đẩy hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số triển khai hiệu quả Đề án 06 và Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu và tin tưởng các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời; đoàn kết, nhất trí; tích cực, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; điều hành quyết liệt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ… thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Kỳ họp thứ 39 của UBKT Trung ương
Tuần qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 39, xem xét, kết luận các nội dung quan trọng.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội các nhiệm kỳ 2011 – 2016, 2016 – 2021; thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 37 cảnh cáo, khiển trách Ban cán sự đảng TAND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2020 – 2025; xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm tại Đảng bộ các tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk và Bình Phước; xem xét, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đối với Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cao Bằng và Thành ủy Cần Thơ; xem xét kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị.
Theo đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các đồng chí trong diện xem xét, thi hành kỷ luật, cảnh cáo, khiển trách đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết
Tại buổi họp báo Chính phủ tuần qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
Theo ông Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngoại tệ. Quý I/2024, vấn đề tỷ giá đồng Việt Nam vẫn tiếp tục “nóng” theo giá trị đồng đô la trên thế giới tăng mạnh, cộng với chính sách hạ lãi suất của Việt Nam đang giảm sâu, khiến chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục âm. Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu cũng gia tăng, nhiều hơn…
Với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá tại Việt Nam vẫn đang duy trì ổn định, đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng, đảm bảo trạng thái ngoại tệ dương với các ngân hàng thương mại và nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp và xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu chung của nền kinh tế.
Hệ thống của PVOIL bị hacker tấn công
Chiều 2/4, Hệ thống công nghệ thông tin của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), đơn vị chiếm 17% thị phần cung cấp xăng dầu cả nước bị tấn công có chủ đích theo hình thức mã hóa dữ liệu (ransomware), khiến hệ thống phát hành hóa đơn điện tử ngừng hoạt động. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục bán hàng bằng cách ghi chép lại theo hình thức thủ công và có kế hoạch bổ sung dữ liệu sau khi các hệ thống được khắc phục.
Ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông đã lập tức vào cuộc hỗ trợ khắc phục sự cố. Vụ việc này được ví von là “bóng ma” trên không gian mạng.
Đến chiều 3/4, PVOIL đã khắc phục xong và phát hành được hóa đơn điện tử xăng dầu bình thường.
Chủ trương tách một số trường công lập tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh
Trong tuần qua, thông tin một số trường công lập tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thực hiện tách trường thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo kế hoạch, tại Hà Nội, Trường THCS Giảng Võ sẽ được tách thành trường Giảng Võ và Giảng Võ 2 tại địa chỉ cũ, nhưng chia đôi diện tích, mỗi trường hơn 5.000 m2. Việc này nhằm giảm số lớp, số học sinh để trường đủ điều kiện công nhận chuẩn quốc gia. Giảng Võ là Trường THCS công lập có quy mô lớn nhất Hà Nội, với hơn 3.250 học sinh, 150 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Việc tách trường không làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, uy tín của trường THCS Giảng Võ hiện tại. Trường THCS Giảng Võ 2 được định hướng trở thành trường chất lượng cao, có hơn 1.200 học sinh và dự kiến trong tháng 4 được cấp phép hoạt động. Hà Nội hiện có các trường THCS chất lượng cao như Cầu Giấy, Chu Văn An, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, thành phố đã đồng ý tách Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thành Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa có tư cách pháp nhân riêng. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hoạt động mô hình trường chuyên có nhiều cấp học tại phường An Khánh, TP Thủ Đức. Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa hoạt động nhiều cấp học tại phường Bến Nghé, Quận 1.
Trường Quốc tế Mỹ – Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) dạy học trở lại sau gián đoạn
Ngày 3/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Tiểu học, THCS, THPT Quốc tế Mỹ (AISVN) đã trở lại hoạt động bình thường.
Trước đó, từ ngày 18/3, việc dạy và học ở trường bị gián đoạn do phần lớn giáo viên không đến dạy vì bị nợ lương, bảo hiểm. Trong cuộc họp ngày 30/3 với phụ huynh học sinh, Trường cho biết mất khả năng tài chính, không thể chi trả lương giáo viên đúng hạn và kêu gọi phụ huynh đóng góp hỗ trợ 125 tỷ đồng để duy trì hoạt động đến hết năm học này.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, ngày 2/4 đã có 542 phụ huynh đóng góp số tiền 22,8 tỷ đồng. Toàn bộ giáo viên nước ngoài đã được thanh toán lương, tiền thuê nhà tháng 1 và 2/2024. Về các giải pháp tiếp theo, Sở đã làm việc với nhà đầu tư, nhà trường khẩn trương xây dựng phương án và lộ trình tái cấu trúc đảm bảo nguồn lực, tài chính trong thời gian tới.
Tuyên án vụ án Vạn Thịnh Phát
Tuần qua, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục diễn ra, với phần tuyên án, các bị cáo nói lời sau cùng. Viện Kiểm sát thay đổi đề nghị mức hình phạt đối với 22/86 bị cáo theo hướng thấp hơn so với bản luận tội đã công bố ngày 19/3/2024 do có tình tiết giảm nhẹ và tích cực khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trương Mỹ Lan không được nhắc tới trong đề nghị này, đồng nghĩa với việc giữ nguyên quan điểm đề nghị mức án tử hình của Viện Kiểm sát. Bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan) bị đề nghị tuyên phạt mức án từ 19-20 năm tù giam về tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phẩn Đầu tư Times Square, chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) được Viện Kiểm sát tuyên giảm mức án đề nghị từ 11-12 năm tù còn 10-11 năm tù…
Diễn biến mới hàng loạt vụ án kinh tế “nóng”
Trong tuần qua, dư luận quan tâm tới những diễn biến mới nhất của những vụ án kinh tế “nóng” như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn; Công ty Xuyên Việt Oil…
Đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, đến nay, cơ quan điều tra đã thu hồi 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD và đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án liên quan đến Nguyễn Văn Hậu (Hậu “pháo”), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, làm rõ các sai phạm khác của doanh nghiệp này tại các địa phương. Các bị can trong vụ án này bị khởi tố vì đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, vi phạm khoản 3, Điều 221 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Mở rộng điều tra vụ án Công ty Xuyên Việt Oil, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố 3 bị can: Trần Duy Đông, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) về Tội “Nhận hối lộ”; Đinh Tiến Dũng (Kế toán trưởng Công ty Xuyên Việt Oil) và Nguyễn Tấn Long (Trưởng phòng kinh doanh Công ty Xuyên Việt Oil) về Tội “Đưa hối lộ”. Ông Trần Duy Đông bị bắt tạm giam, thực hiện khám xét nơi ở và nơi làm việc tại Bộ Công Thương là diễn biến mới nhất quá trình mở rộng điều tra. Vụ án này đến nay đã khởi tố 14 bị can.