Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, nên thời gian qua, chính sách tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy giúp người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc tổ chức triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Qua đó đã huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội.
Từ hoạt động vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với thủ tục đơn giản, mức vay và phương thức trả nợ phù hợp, lãi suất ưu đãi, thời gian dài…, người nghèo và các đối tượng chính sách đã dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, sử dụng vốn có trách nhiệm, trả nợ đúng hạn, tạo được việc làm, tăng thu nhập, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn vốn được bảo toàn và phát huy hiệu quả. Năm 2022 và 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã có 44.972 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội với tổng dư nợ đạt 4.504,7 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.672,5 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 1.025,3 tỷ đồng, chiếm 22% tổng nguồn vốn. Đặc biệt, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với chi nhánh và phòng giao dịch cấp huyện thực hiện các nội dung của hợp đồng ủy thác đã ký, thành lập, quản lý, duy trì hiệu quả hoạt động của 2.127 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ nhận ủy thác 4.477,2 tỷ đồng, chiếm 99,39% tổng dư nợ.
Điển hình như tại huyện Bình Liêu với khoảng 95% là đồng bào DTTS, thời gian qua, huyện đã triển khai hiệu quả việc cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách, qua đó đã khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào vùng khó. Tính riêng trong 2 năm gần đây, trên địa bàn huyện có gần 500 hộ được tiếp cận nguồn vốn với tổng vốn được phân bổ trên 30 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào DTTS đã tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Gia đình anh Phùn Quay Sường (thôn Cầu Sắt, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) là một trong những gia đình được vay vốn từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện với lãi suất ưu đãi. 2 năm qua, gia đình có thêm nhiều điều kiện để triển khai mô hình nuôi dê phù hợp với điều kiện địa phương hứa hẹn mang lại thu nhập khá. Anh Sường cho biết: Năm 2021, tôi được vay 100 triệu đồng (theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh) để làm chuồng trại, mua dê giống để nuôi. Đến bây giờ, gia đình đã phát triển được đàn 20 con. Mô hình chăn nuôi đã mang lại hiệu quả, tạo việc làm cho gia đình, tôi không phải ra ngoài làm thuê nữa.
Trong giai đoạn 2014-2023, nguồn vốn tín dụng chính sách Trung ương và địa phương tập trung đầu tư đã góp phần giúp trên 30.000 lượt hộ thoát nghèo, cận nghèo bền vững; tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, tăng thu nhập cho trên 97.000 người lao động. Riêng từ đầu năm 2023 tới nay đã tạo việc làm mới cho gần 2.200 lao động; cho gần 2.900 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 118.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và 2.600 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách; trên 430 cơ sở, người lao động được vay vốn chuyển đổi nghề; hơn 4.100 lượt người lao động tại vùng DTTS, biên giới, hải đảo được tiếp cận với nguồn vốn ngân sách địa phương để phát triển sản xuất. Năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả ba cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền trong tỉnh.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực tín dụng chính sách xã hội, đồng thời lồng ghép các nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Tập trung cho vay các chính sách tín dụng mới, ưu tiên đầu tư vốn cho các địa phương còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số miền núi, các xã, huyện về đích xây dựng nông thôn mới, nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Quảng Ninh phấn đấu tất cả người nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng chính sách xã hội cung cấp; nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 8-10%; trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác hằng năm tăng tối thiểu 100 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 8-10%, đến năm 2030 dư nợ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.