Từ nhiều năm nay, phim kinh dị Việt hầu như không có sức cạnh tranh ở các rạp trong nước. Đa phần các tác phẩm kinh dị của nhà làm phim Việt đều bị khán giả chê bai về nội dung, kỹ xảo và đặc biệt là màn hóa thân của các diễn viên chưa tốt.
Từ cú hích của “Kẻ ăn hồn”, “Quỷ cẩu”
Có thể kể đến “Cù lao xác sống”, “Bến phà xác sống”, “Kẻ đào mộ”… đều rời rạp với doanh thu thấp thảm hại. Ngoài ra, các phim còn bị chê là thảm họa điện ảnh khiến không ít khán giả mất niềm tin vào phim kinh dị Việt.
Tuy nhiên, sau cú hích của “Kẻ ăn hồn”, “Quỷ cẩu” có doanh thu tốt, nhà làm phim Việt đã bắt đầu trở lại khai thác đề tài này. Còn nhớ, “Kẻ ăn hồn” khi ra mắt nhận được không ít lời khen vì nội dung, diễn xuất của dàn sao. Phim mang về 66 tỉ đồng và từng dẫn đầu phòng vé nhiều ngày liên tiếp khi ra mắt vào thời điểm đó.
Đặc biệt, “Quỷ cẩu” tạo cú hích cho dòng phim kinh dị Việt khi lần đầu có 1 tác phẩm thuộc thể loại này vượt mốc 100 tỉ đồng. Theo đó, phim rời rạp với hơn 108 tỉ đồng xác lập kỷ lục phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Từ 2 dự án này, nửa cuối năm 2024, có đến 4 dự án kinh dị được công bố ra mắt gồm: “Làm giàu với ma”, “Ma da”, “Con Cám”, “Linh miêu”. Hầu hết các phim này đều lấy đề tài về văn hóa dân gian từng khá quen thuộc với khán giả. Tuy nhiên, việc khai thác dòng phim kinh dị này có dễ?
Không dễ với đề tài kinh dị về văn hóa tâm linh
Sau phim “Quỷ cẩu”, đạo diễn Lưu Thành Luân và Giám đốc sáng tạo Võ Thanh Hòa dự kiến làm trọn vẹn loạt ba phim kinh dị lấy chất liệu dân gian Việt Nam.
Theo dự định của nhà sản xuất, “Quỷ cẩu” là phim mở đầu cho loạt ba phim thuộc thể loại kinh dị với chất liệu dân gian Việt Nam. Nếu “Quỷ cẩu” theo tích “chó đội nón mê” thì “Linh miêu” có đề tài “quỷ nhập tràng”.
Đạo diễn Lưu Thành Luân cho biết: “Kịch bản của phim Linh miêu chỉ mượn hình tượng của linh miêu cùng quan niệm liên quan đến quỷ nhập tràng. Còn lại, câu chuyện sẽ được phát triển theo hướng bi kịch của một gia đình sinh sống tại Huế vào những năm 1960.
Cũng như “Quỷ cẩu”, phim “Linh miêu” mang một thông điệp mạnh mẽ về nghiệp quả. Phim lồng ghép với những nét đẹp của văn hóa khảm sành xứ Huế, một văn hóa đặc sắc của thời nhà Nguyễn”.
Sau loạt tác phẩm kinh dị ăn khách như “Tết ở làng địa ngục”, “Kẻ ăn hồn”… bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân – đạo diễn Trần Hữu Tấn vừa thông báo cho ra mắt dự án mới mang tên “Con Cám”.
Phim “Ma da” do Việt Hương đóng vai chính vừa tung ra những hình ảnh đầu tiên. Phim có hình ảnh “ma da kéo chân” gợi nhớ tích dân gian đáng sợ trong văn hóa Việt Nam. Trong phim, Việt Hương vào vai người phụ nữ miền quê làm nghề vớt xác, với vẻ ngoài lam lũ, tạo hình già cỗi so với ngoài đời.
Việt Hương nói: “Đây là bộ phim mà tôi có thời gian ở tại vùng Đất Mũi – Năm Căn – Cà Mau lâu nhất từ trước tới giờ, để cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên cũng như con người ở đây. Khi tham gia phim này, tôi phải bắt đầu học lặn, học bơi, cũng như đi tìm hiểu thực tế về công việc và cuộc sống của một người làm nghề vớt xác”.
Dự án phim hài kết hợp với đề tài gia đình, tâm linh mang tên “Làm giàu với ma” của đạo diễn Nguyễn Nhật Trung vừa khởi động, với sự tham gia của nhiều diễn viên tên tuổi, trong đó Tuấn Trần đảm nhiệm vai chính. Khác với 3 phim trên, dự án kinh dị này pha tình tiết hài hước, vui nhộn cho khán giả xem.
Nhìn chung, các dự án kể trên đều đa phần có chung công thức là mượn các yếu tố văn hóa dân gian, tạo cho các dự án có lợi thế trong việc thu hút khán giả chú ý.
Tuy vậy, làm phim chủ đề này không dễ, nhất là giữa thời điểm phim Việt có nhiều cạnh tranh và khán giả khắt khe hơn. Trong đó, chuyện trang phục, bối cảnh của phim khá cầu kỳ và đòi hỏi phục dựng nếu muốn làm phim xưa như “Con cám”, “Linh miêu”… Ngoài ra, với thể loại kinh dị, đặc biệt là lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian đòi hỏi diễn viên phải nhập vai tốt mới thể hiện được thông điệp khán giả truyền tải.